Phương pháp thay đổi ngôn từ trong hỏi thăm, chào hỏi
- phale
- 09/05/2023
- Truyền cảm hứng
- 0 Comments
Thay đổi ngôn từ trong hỏi thăm, chào hỏi chính là một trong những nghệ thuật “đắc nhân tâm. Chúng ta không chỉ khiến người khác vui vẻ mà bản thân mình cũng thoải mái hơn.
Trong cuộc sống hàng ngày, các tình huống hỏi thăm, chào hỏi nhau rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách hỏi đúng khiến đối phương hài lòng. Sự thiếu tế nhị trong sử dụng ngôn từ có thể dẫn đến những mối quan hệ xấu. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phương pháp thay đổi ngôn từ trong hỏi thăm, chào hỏi. Học và thực hành để giúp bạn trở thành một người dễ mến, đáng yêu, và luôn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến mọi người.
Hỏi thăm, chào hỏi và những cách ứng xử đa dạng
Những trường hợp chào hỏi nhau, hỏi thăm nhau trong cuộc sống có rất nhiều. Chúng ta hỏi thăm người thân ở xa mới về. Chúng ta hỏi thăm người bệnh. Chúng ta hỏi thăm một mối quan hệ. Chúng ta hỏi thăm tình hình sức khỏe, kinh tế, học hành…
Có những việc hỏi thăm chỉ đơn thuần là xã giao. Nhưng cũng có những thăm hỏi xuất phát từ sự quan tâm thật lòng. Dù là xuất phát từ mục đích nào, thì điều quan trọng là bạn cần phải biết, hỏi thăm không ngoài mục đích chào hỏi nhau, trò chuyện nhau.
Và trong một mối quan hệ, việc này cần đảm bảo sự thoải mái cho cả hai bên. Người hỏi thăm thỏa mãn được thắc mắc của mình. Người được hỏi thăm cũng cần được cảm thấy dễ chịu và có thể vui vẻ trả lời các câu hỏi.
Một số trường hợp ứng xử điển hình mà chúng ta gặp khi hỏi thăm:
- Con cái thi cử xong: Làm bài được không con? Có bị sai nhiều không? Nhắm có đỗ cao không?
- Người đi khám bệnh về, người đang bị ốm: Có mệt không, có đau không, có sao không?
- Người đi xa về: Đi tàu/xe/máy bay có mệt không? Đi mệt lắm phải không?
- Hỏi thăm vấn đề gia đình: Năm nay làm ăn khá không? Đã có người yêu chưa? Khi nào mới có vợ? Làm lương được bao nhiêu?….
Những câu hỏi này rất phổ biến và thường được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, không nhiều người tìm hiểu liệu nó có thực sự phù hợp và khiến người được hỏi hài lòng hay không.
Ngôn từ tiêu cực khi thăm hỏi tác động thế nào đến người khác?
Có những câu hỏi, mới nghe đã thấy mệt. Đó thực sự là một thực trạng mà chúng ta có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày. Có thể bạn không để ý, nhưng mỗi ngày, bạn đều đang hỏi thăm người khác theo cách tiêu cực. Và đồng thời, người khác cũng đang hỏi thăm bạn với những ngôn từ tiêu cực như thế.
Ví dụ như, con của bạn mới ở phòng thi bước ra. Bạn đã hỏi dồn dập về việc làm bài có đúng không, kết quả thế nào. Nếu là một đứa trẻ xuất sắc, điều này có lẽ không quá áp lực. Nhưng nếu trẻ đã làm bài không tốt, tâm trạng đang nặng nề, gặp sự tra khảo dồn dập của bạn, thử hỏi trẻ sẽ cảm thấy như thế nào.
Hay như, người khác đang mang bệnh và mới đi khám về. Thay vì lời hỏi thăm nhẹ nhàng: Đã về rồi đấy à. Bạn lại dồn dập hỏi kết quả, hỏi kỹ càng tình trạng bệnh. Lúc này, sự chia sẻ của người kia có thể sẽ bị ngăn lại vì họ cảm thấy họ đang bị soi mói quá mức về chuyện riêng tư. Hoặc là, họ cảm thấy mặc cảm về tình trạng sức khỏe của mình.
Hay như, bạn hỏi một cô gái, một anh chàng về tình trạng hôn nhân với ngôn từ châm biếm. Với bạn đó là bình thường. Với người khác đó là sự tổn thương. Khi ứng xử không khéo léo, những mối quan hệ cũng dần bị mất đi. Sự khó chịu len lỏi dần trong người được hỏi thăm. Và bạn, ban đầu chỉ là sự quan tâm, là ý tốt, dần dần sẽ trở thành một kẻ kém duyên trong mắt mọi người.
Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong hỏi thăm, chào hỏi
Hỏi thăm và chào hỏi, có lẽ là chuyện mỗi ngày mà chúng ta thực hành. Tuy nhiên, nếu bạn không thay đổi phương pháp chào hỏi, thì chắc chắn hậu quả mà chúng mang lại không hề nhỏ.
Chúng ta đều biết rằng, chúng ta lan tỏa trường năng lượng nào, thì sẽ thu hút trường năng lượng đó. Mang đến cho người khác những năng lượng tiêu cực, bản thân chúng ta cũng sẽ nhận về “gạch đá”. Vì vậy, nếu bạn có hỏi thăm, chào hỏi ai, hãy luôn nhớ:
Những ngôn từ mang tính khẳng định
Ví dụ, bạn đi thăm người bệnh. Thay vì hỏi: “Nay đã khỏe chưa?” Hoặc là: “Sao nay trông xanh xao thế”. Sự xót xa mà bạn cho là đúng lại trở thành sự lo lắng và khó chịu với người bệnh. Khi thể trạng họ đang yếu ớt, tinh thần cũng phát sinh nhiều tiêu cực.
Thay vào đó, hãy dùng những từ khẳng định: “Hôm nay nhìn sắc mặt tươi thế!” Hoặc là: “Trông hôm nay khá hơn hôm trước nhiều rồi đấy nhé!” Chắc chắn rằng, dù có thể tình trạng người bệnh chưa có nhiều chuyển biến, nhưng họ cũng thấy rất vui. Vì bạn là nhận xét khách quan, điều này cũng tác động tâm lý không nhỏ đến người bệnh. Những lời nói mang tính động viên, khẳng định sẽ tiếp thêm năng lượng cho họ. Từ đó, giúp họ chiến thắng bệnh tật tốt hơn.
Những ngôn từ mang tính hài hước, vui vẻ
Sự hài hước và vui vẻ luôn là khởi đầu của những mối quan hệ tốt đẹp. Hỏi thăm với những ngôn từ này, chắc chắn đối phương sẽ rất hài lòng.
Ví dụ như, thay vì soi mói người khác chưa lập gia đình, bạn có thể dùng những cách hỏi thăm hài hước hơn. Ví dụ như: “Độc thân bây giờ đang là xu hướng nhé? Con cũng đang theo xu hướng đúng không?” Hoặc như là “ Nhìn trẻ lâu quá, không vướng bận gia đình đúng là khỏe thật nha”.
Sự hài hước và vui vẻ không chỉ khiến người khác cảm nhận được sự thoải mái, tiến bộ và lịch thiệp nơi bạn. Nó còn giúp câu chuyện cởi mở hơn, người khác cũng dễ dàng cởi mở và chia sẻ câu chuyện của mình hơn. Điều này, bạn có thể thấy ở rất nhiều những chuyên gia tâm lý. Để có thể tìm hiểu bi kịch mà khách hàng đang gặp phải, họ luôn bắt đầu từ những câu chào hỏi nhẹ nhàng, vui vẻ. Những điều tự nhiên nhất cũng sẽ được ưu tiên thay vì cứ tra hỏi về bi kịch mà người ta đang gặp phải.
Những ngôn từ mang tính phúc đức
Những ngôn từ kiểu này có thể sẽ hơi khó hình dung. Nhưng bạn có thể hiểu, đó là sự quan tâm thật lòng. Nó sẽ khiến người được nghe tràn ngập cảm giác dễ chịu và cảm nhận được tình yêu thương. Ví dụ như, thay vì hỏi ai đó có mệt không sau một chuyến đi xa, bạn có thể bắt đầu lời chào bằng sự chào đón họ trở về.
Hoặc như, thay vì hỏi con cái về vấn đề thi cử kết quả thế nào, bạn có thể chúc mừng con đã hoàn thành kỳ thi. Dù sao thì kết quả vẫn còn phía trước và bạn sẽ biết chỉ sau một thời gian, thì hà cớ gì lại đặt thêm áp lực vô hình lên vai một đứa trẻ?
Kết luận
Thay đổi ngôn từ trong hỏi thăm, chào hỏi thực sự là một quá trình thực hành lâu dài. Vì chúng ta đã quá quen thuộc với những câu hỏi thường nhật hàng ngày. Những lời chào hỏi bật ra khỏi miệng như một thói quen. Vô hình chung có thể để lại những tổn thương và khó chịu trong lòng người khác.
“Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Điều này đúng trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống vốn dĩ là sự dung hòa của rất nhiều mối quan hệ. Điều quan trọng mà chúng ta muốn nói ở đây không phải là sự khéo léo trong cách chào hỏi. Mà đó chính là sự quan tâm thật lòng của bạn, yêu thương thật lòng của bạn. Khi đó, lời hỏi thăm của ban tự nhiên cũng sẽ hướng về người nghe, thay vì thỏa mãn sự tò mò của mình.