Cắt polyp trực tràng là một thủ thuật y khoa hiện đại. Thủ thuật giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng về đường tiêu hóa như ung thư trực tràng. Nắm rõ kiến thức về cắt polyp trực tràng sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong điều trị, giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe.
Cắt polyp trực tràng là gì?
Cắt polyp trực tràng là một thủ thuật y tế được áp dụng để loại bỏ các mô bất thường phát triển trong màng lót của trực tràng. Quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng, ít xâm lấn. Cắt polyp trực tràng thường được tiến hành trong quá trình nội soi đại trực tràng.
Polyp trực tràng là tình trạng xuất hiện một hay nhiều khối u trong lòng trực tràng. Vị trí của chúng thường là ở cuối ruột già. Khối mô polyp trực tràng có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau
Polyp trực tràng có 2 dạng thường gặp:
- Polyp không cuống (polyp phẳng)
- Polyp có cuống
Trong đó, loại polyp không cuống thường gặp hơn.
Tạo sao phải cắt bỏ polyp trực tràng?
Cắt bỏ polyp trực tràng thường được bác sĩ chỉ định với mục đích như:
- Loại bỏ những khối polyp nghi ngờ ác tính hay có nguy cơ tiến triển thành ung thư
- Loại bỏ những mô bất thường, gửi giải phẫu bệnh để tầm soát ung thư
- Khắc phục tình trạng chảy máu trực tràng và những triệu chứng của bệnh polyp trực tràng (đau bụng, tiêu chảy, khó đi cầu…)
Khi nào thì nên cắt polyp trực tràng?
Các trường hợp nghi ngờ ác tính, bác sĩ cần nhanh chóng tiến hành cắt bỏ polyp trực tràng. Ngoài ra, những trường hợp phát hiện polyp có kích thước lớn hơn 0,5 cm hoặc xuất hiện nhiều polyp trong trực tràng, cũng cần được cắt bỏ để sinh thiết.
Nếu polyp có kích thước nhỏ hơn 0,5 cm và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, polyp dạng tăng sản, loại này thường hiếm khi phát triển thành ung thư, do đó người bệnh có thể không cần cắt polyp trong những trường hợp này. Lúc này, người bệnh chỉ cần theo dõi tình trạng sức khỏe, nội soi đại trực tràng kiểm tra theo lịch hẹn.
Phần lớn polyp trực tràng là khối u lành tính. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ung thư. Do đó, người bệnh cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe. Nếu có chỉ định cắt bỏ polyp, cần thực hiện đúng theo chỉ định từ bác sĩ. Để hạn chế rủi ro sau phẫu thuật, người bệnh nên thực hiện thủ thuật cắt polyp tại những cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng các thiết bị y tế hiện đại.
Quy trình thực hiện cắt polyp trực tràng
Người bệnh cắt polyp trực tràng sẽ được hướng dẫn nằm ở tư thế nghiêng bên trái, co gập hai đầu gối về phía bụng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc an thần cho người bệnh để gây mê. Người bệnh sẽ không còn đau đớn, khó chịu trong suốt quá trình cắt polyp trực tràng.
Bác sĩ tiến hành luồn một ống mềm có gắn camera vào trực tràng thông qua đường hậu môn của người bệnh. Tùy theo kích thước và hình dạng polyp bác sĩ nội soi sẽ lựa chọn những phương pháp cắt phù hợp, polyp sau khi cắt sẽ gửi làm giải phẫu bệnh.
Vị trí cắt có thể bị chảy máu, bác sĩ đánh giá và có thể kẹp clip cầm máu dự phòng.
1. Chuẩn bị gì trước khi cắt polyp trực tràng?
Để bác sĩ có thể đánh giá rủi ro và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng trong quá trình cắt polyp trực tràng, người bệnh cần thông báo với bác sĩ những vấn đề như:(1)
- Những loại thuốc đang dùng
- Những loại thực phẩm hoặc thuốc có thể gây dị ứng cho bạn, nhất là thuốc gây tê cục bộ
- Bạn hoặc các thành viên trong gia đình có tiền sử rối loạn chảy máu, máu không đông hay bị thiếu máu
- Đang sử dụng các loại thuốc kháng đông hay thuốc chống kết tập tiểu cầu. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngưng sử dụng thuốc một vài ngày trước khi cắt bỏ polyp trực tràng
- Người bệnh có tiền sử đái tháo đường, huyết áp cao, đau ngực, đau tim, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi
- Tất cả những phẫu thuật đã từng thực hiện như cắt bỏ ruột thừa, túi mật hay bất cứ bộ phận nào khác; phẫu thuật sửa chữa bất cứ bộ phận của cơ thể.
- Việc dùng đồ uống chứa cồn cũng cần tránh trong một khoảng thời gian trước phẫu thuật
2. Sau khi cắt polyp trực tràng lưu ý gì?
Sau khi cắt polyp trực tràng, tùy theo kích thước và hình dạng polyp, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn từ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt. Thông thường:(2)
- Chế độ ăn uống: Sau vài tiếng, bạn có thể uống chút nước hoặc sữa. Vào ngày thứ 3, có thể dùng các loại thực phẩm mềm và lỏng như súp, cháo, canh; sau đó tăng dần độ đặc của thức ăn. Người bệnh nên kiêng các món cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ vì không tốt cho hệ tiêu hóa. Người bệnh nên ăn từng chút, chia thành nhiều bữa ăn trong ngày.
- Chế độ sinh hoạt: Đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc, không thức khuya, luôn giữ tâm trạng tích cực.
- Chế độ vận động: Hạn chế các hoạt động mạnh, thay vào đó là nghỉ ngơi và vận động vừa sức, nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, tập dưỡng sinh…
- Tránh táo bón và rặn đi tiêu
- Người bệnh theo dõi các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, hay đi tiêu ra máu…
3. Chăm sóc bệnh nhân sau cắt polyp trực tràng
Sau khi được bác sĩ cho xuất viện, người bệnh cần lưu:
- Trong khoảng vài ngày đầu sau khi cắt polyp trực tràng, nên nghỉ ngơi nhiều. Không lao động nặng nhọc trong vòng 4 tuần sau phẫu thuật.
- Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có sự đổi màu phân sau khi đi tiêu lần đầu.
- Dùng thuốc đầy đủ theo chỉ định từ bác sĩ (nếu có) .
- Không dùng các loại thức ăn cay, đồ chua, cà phê, thức uống chứa cồn hay bánh kẹo ngọt; tranh gây ảnh hưởng xấu tới tiến trình phục hồi của vết mổ.
Câu hỏi thường gặp khi cắt polyp trực tràng
1. Cắt polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ polyp trực tràng như chảy máu quá nhiều, đau và sưng vết mổ, sốt, đau khi đi tiểu, nhiễm trùng vết mổ, chướng hơi, các biến chứng gây mê (buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, đau đầu, suy hô hấp, sốc phản vệ…). Nếu gặp bất cứ bất thường nào kể trên, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế uy tín để có hướng xử trí kịp thời, ngăn ngừa rủi ro.
2. Cắt polyp trực tràng có đau không?
Cắt bỏ polyp đại trực tràng không gây đau đớn cho người bệnh. Nguyên nhân là niêm mạc trực tràng không có khả năng cảm nhận đau. Các biến chứng cắt polyp đại trực tràng nếu được xử lý kịp thời sẽ an toàn.
3. Sau khi cắt polyp trực tràng nên ăn gì?
Sau khi thực hiện cắt bỏ polyp trực tràng, người bệnh không nên ăn bất cứ loại thức ăn nào. Thay vào đó, người bệnh chỉ uống một vài muỗng nước, khoảng 1 - 2 tiếng uống một lần. Thậm chí, ngày 2 và 3, người bệnh vẫn không nên ăn mà chỉ tăng lượng nước uống lên mỗi ngày.
Sau đó, người bệnh mới bắt đầu nạp năng lượng cho cơ thể bằng những loại sữa uống và một số loại thức ăn mềm. Trong giai đoạn này, thức ăn phù hợp là đồ hầm mềm nhuyễn, canh, súp. Bạn nên chia thành nhiều bữa nhỏ để tránh đại tràng hoạt động nhiều, giúp vết thương mau lành hơn.
Sau vài tuần, người bệnh có thể ăn cháo, mì sợi, bánh bao… Ở giai đoạn này, người bệnh có thể dùng các thức ăn dạng đặc, hàm lượng chất đạm vừa đủ, ít chất xơ; vẫn cần ăn ít và chia thành nhiều bữa trong ngày.
Người bệnh hạn chế dùng hoặc không nên ăn những loại thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm chứa nhiều gia vị như chua cay, chất bảo quản
- Những loại thức uống chứa cồn như rượu bia, cà phê, trà và các đồ uống chứa cafein khác
- Các loại thức ăn nướng, chế biến nhiều dầu mỡ, các món cay nóng khó tiêu
- Chất béo động vật
4. Cắt polyp trực tràng phải nằm viện bao lâu?
Thủ thuật cắt polyp đại tràng có dùng thuốc gây mê. Vì thế, người bệnh sẽ cần một thời gian ngắn để tỉnh lại. Sau đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn ăn uống sau khi nội soi và nghỉ ngơi; có thể xuất viện trong ngày. Để đảm bảo an toàn, người bệnh không nên tự điều khiển những phương tiện giao thông sau khi nội soi hoặc mổ cắt polyp trực tràng.
Với các trường hợp cắt polyp đại tràng ác tính từ 3 cái trở lên với kích thước > 1cm hay một số trường hợp hiếm gặp khác, người bệnh cần nằm viện ít nhất khoảng 1 - 2 ngày để theo dõi. Điều này là để thực hiện sinh thiết chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của polyp trực tràng cũng như các biến chứng hiện thời. Tuy vậy, người bệnh không nên quá lo lắng. Vì thời gian nằm viện sẽ không lâu, thời gian hồi phục hoàn toàn là khoảng 2 tuần.
5. Có nên cắt polyp trực tràng không?
Một số polyp trực tràng có khả năng tiến triển thành ung thư. Do đó, việc cắt polyp trực tràng sớm là điều rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và có hướng xử trí phù hợp, hạn chế các biến chứng nghiêm trọng.
6. Có cần tái khám định kỳ sau khi cắt polyp trực tràng không?
Polyp trực tràng vẫn có khả năng tái phát. Do đó, người bệnh nên tái khám và nội soi đại tràng định kỳ theo đúng yêu cầu từ bác sĩ.
7. Chi phí phẫu thuật cắt polyp trực tràng?
Chi phí cắt polyp trực tràng không cố định trong tất cả trường hợp. Vì ngoài phí khám cố định đã được niêm yết theo quy định, người bệnh có thể cần chi trả những khoản dịch vụ khác liên quan. Vì vậy, để tìm lời giải đáp cho vấn đề chi phí phẫu thuật cắt polyp trực tràng, người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, chẩn đoán nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp, ngăn ngừa tiến triển nặng.
8. Phẫu thuật polyp trực tràng ở đâu tốt?
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa - Ngoại khoa - Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Cắt polyp trực tràng là thủ thuật không quá phức tạp. Tuy vậy, người bệnh cũng cần tham khảo thông tin và chuẩn bị thủ tục, tâm lý cho bản thân. Điều quan trọng là bạn nên cắt polyp trực tràng tại các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị.