**Bài viết được thực hiện bởi chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho. Trước khi đọc bài, quý độc giả hãy tìm hiểu và sử dụng bài trắc nghiệm Sở thích nghề nghiệp theo Holland để xác định nhóm sở thích của mình.
Mở đầu
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ viết về nhóm các bạn trẻ có đặc tính nghề của tổ hợp Nghiên cứu và Xã hội. Tương tự như những bài viết về các cặp Holland trước đây, tôi có chia sẻ rằng khi hai nhóm đặc tính nghề gặp nhau, sự pha trộn giữa chúng tạo nên một tổ hợp khá độc đáo. Hai người có cùng tổ hợp này chưa chắc đã hoàn toàn giống nhau vì sự khác biệt ở mức độ và đặc điểm bên trong mỗi nhóm sẽ tạo thành một tổ hợp hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Ví dụ, A và B cùng có đặc điểm của hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội, nhưng A thiên về Nghiên cứu hơn Xã hội và ngược lại, B thiên về Xã hội hơn Nghiên cứu. Vì vậy A và B có những sở thích, kỹ năng, suy nghĩ, và chọn lựa ngành học cùng nghề nghiệp không hoàn toàn giống nhau. Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp độc giả nắm được thông tin căn bản của tổ hợp Nghiên cứu - Xã hội. Sau đó mỗi người sẽ thông qua những trải nghiệm cuộc sống và quá trình suy ngẫm để tăng sự hiểu biết về bản thân và nhờ đó ra quyết định nghề nghiệp phù hợp từng giai đoạn cuộc đời.
Nhóm Nghiên cứu và Xã hội - Kết hợp giữa trí óc và trái tim
Trong những bài viết trước, tôi có chia sẻ rằng đặc điểm của nhóm Xã hội là lòng yêu thích và khả năng làm việc với con người, thích soi sáng, giúp đỡ, truyền đạt thông tin, huấn luyện hoặc chữa trị cho người khác, và thường có khả năng về ngôn ngữ. Trong khi đó đặc điểm của nhóm Nghiên cứu là lòng ham mê tìm hiểu và học hỏi sâu trong lĩnh vực mà họ quan tâm. Khi đã quyết tâm, họ học rất giỏi và hiểu cặn kẽ đề tài họ chọn. Họ không thích bỏ thời gian ra tham gia các hoạt động xã giao, chia sẻ thông tin hay thuyết phục người khác theo ý mình.
Những đặc điểm thường thấy ở những người có cả hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội là:
- Lòng yêu thích tìm hiểu và kiến thức sâu sắc ở một trong những lĩnh vực sau: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hay giáo dục
- Năng lực học giỏi đều các môn cũng như nhân duyên rất tốt với bạn bè, thầy cô, và người lạ nhờ năng lực hiểu cảm xúc người khác và sự khéo léo trong ngôn ngữ
- Mục tiêu cuối cùng của nghề nghiệp họ chọn có chung đặc điểm là phải góp phần vào sự phát triển của con người, xã hội, động vật hay môi trường thiên nhiên. Nói ngắn gọn, dù làm gì đi nữa, họ phải thấy được kết quả của việc họ làm là giúp cho thế giới này trở nên một nơi tốt đẹp hơn
Đi kèm với những điểm son trên, một số điểm yếu mà các bạn thuộc hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội phải học cách đương đầu bao gồm:
- Vì có khả năng học giỏi đều các môn nên các bạn trẻ ở tổ hợp này dễ gặp khó khăn khi phải chọn giữa ban khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội khi bước vào cấp III
- Vì thói quen tìm hiểu và đào sâu, nghiên cứu các hiện tượng họ quan tâm, các bạn ở tổ hợp này khó ra quyết định vì luôn cảm thấy mình chưa đủ thông tin để đưa ra quyết định
- Là những người có mục tiêu sống khá lý tưởng, họ có thể bị thất vọng khi gặp phải những điều chưa đẹp xảy ra trong cuộc sống quanh họ - đặc biệt khi họ rời ghế nhà trường bước chân vào môi trường lao động
Nuôi dưỡng theo tự nhiên
Nhóm bạn trẻ có đặc điểm nghề của hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội, nếu được tạo điều kiện từ những ngày còn nhỏ, sẽ rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu và học tập. Với sự thông hiểu và nuôi dưỡng phù hợp, họ sẽ tập được cách ra quyết định hiệu quả, bằng lòng với sự ‘vừa đủ,’ sống tích cực trong hoàn cảnh còn ‘tiêu cực’ so với tiêu chuẩn họ đặt ra.
Khi còn nhỏ, họ cần những người xung quanh chú ý đến những điều sau:
- Mở lòng lắng nghe những câu hỏi ‘cắc cớ’ của họ và không cho rằng đó là dấu hiệu của sự láo xược hay kiêu ngạo
- Tạo điều kiện cho họ thảo luận những gì họ tiếp thu được qua sách vở, phim ảnh, v.v.; giúp họ lắng nghe bản thân rồi tự tìm ra câu trả lời hơn là cố gắng trả lời cho họ
- Dùng ngôn ngữ gắn bó và yêu thương trong đời sống hàng ngày (ví dụ, ba mẹ thương bé quá; con đang cảm thấy như thế nào?). Đồng thời, thử thách trí óc của bạn bằng những trò chơi gia đình đòi hỏi tư duy như trò chơi ghép hình 1000 mảnh, trò chơi đố chữ, trò chơi đố vui để học, v.v.
- Giúp họ hiểu và chấp nhận khi nào ‘đủ là đủ’ để ra quyết định khi cần thiết
- Khuyến khích và đồng hành với bạn trong các hoạt động vận động cơ thể như chạy, chơi cầu lông, bơi lội, đá bóng, đá cầu, v.v. để giúp bạn cân bằng
Ở tuổi dậy thì, những bạn có đặc điểm của hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội cần được hỗ trợ để:
- Hiểu được đặc điểm tự nhiên của mình và sống cùng những đặc điểm ấy thay vì dán nhãn hay lo lắng
- Hiểu được các điểm yếu do những đặc điểm tự nhiên mang lại và học cách bổ túc các điểm yếu ấy
Cơ hội nghề nghiệp
Theo bản đồ thế giới nghề nghiệp của ACT và mạng nghề nghiệp O*net của Mỹ, một số công việc phù hợp cho những người có hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội bao gồm:
- Công nghệ y học: Kỹ thuật viên dinh dưỡng, Dược sĩ, Kỹ thuật viên y tá phòng cấp cứu, Chuyên gia nhãn khoa, v.v.
- Chẩn đoán y khoa & Điều trị: Bác sĩ châm cứu, Y tá, Chuyên gia vật lý trị liệu, Bác sĩ gây mê, Bác sĩ tâm thần, Bác sĩ nội trú, Nha sĩ, v.v.
- Khoa học xã hội: Chuyên gia tâm lý, Nhân viên công tác xã hội, Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, Nhà trị liệu nghệ thuật, Nhà nghiên cứu các bệnh về ngôn ngữ, Nhà trị liệu sử dụng liệu pháp âm nhạc, v.v.
- Giáo dục: Giáo viên giáo dục đặc biệt, Giáo viên trung học, Nhân viên y tế cộng đồng, Giáo viên hướng nghiệp, Tư vấn viên vấn đề di truyền, Tư vấn viên sức khoẻ tâm thần, Tư vấn viên phục hồi chức năng, v.v.
Trên đây chỉ là một số ít ví dụ nghề nghiệp mà những người thuộc hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội cảm thấy phù hợp với họ. Các bạn trẻ hãy lưu ý rằng còn rất nhiều ngành nghề khác phù hợp không kém. Do đó, khi trải nghiệm, thay vì để ý tên ngành nghề, bạn hãy để ý các đặc tính của ngành nghề ấy sao cho chúng phù hợp với cả hai nhóm Nghiên cứu và Xã hội là được.
Kết
Tôi hy vọng bài viết này gửi đến độc giả một góc nhìn về sự kết hợp của hai nhóm đặc điểm Nghiên cứu và Xã hội. Xin lưu ý khi viết tôi đã cố gắng đưa những thông tin căn bản từ các nguồn đã được nghiên cứu chứng thực. Tuy nhiên, sự trải nghiệm cá nhân của mỗi người rất quan trọng. Mong độc giả sử dụng bài viết này như một nguồn tham khảo và tự tìm hiểu thêm trước khi ra được quyết định nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Tôi chúc độc giả bình an và tìm được nhiều niềm vui trong hành trình hướng nghiệp sắp tới.
Nội dung trích lược từ: Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Nghiên cứu và Xã hội