Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được xem là vương quốc thu nhỏ của các loài rắn, bởi nơi đây hiện đang nuôi bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 40 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài rắn cực độc, cực hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Rắn hổ chúa (trái), rắn hổ mang đất (phải) là một trong số các loài rắn cực độc xếp vào Sách đỏ Việt Nam, được Trại rắn Đồng Tâm bảo tồn nguồn gen. 2 loài bò sát này có sức sát thương cực lớn, chỉ với một vết cắn có thể làm con người tử vong sau vài chục phút nếu không có huyết thanh chữa trị.
Đối với rắn hổ chúa - loài rắn xếp bậc "E" trong Sách Đỏ Việt Nam, tuổi thọ của chúng khoảng 30 năm. Trại rắn Đồng Tâm có khu nuôi bảo tồn với hơn 100 cá thể. Mục đích việc nuôi là cho sinh sản và lấy nọc điều chế huyết thanh.
Trại rắn Đồng Tâm có rắn hổ chúa nặng hơn 16kg, dài 4m được xem là con rắn "khủng" nhất hiện tại. Nếu rắn hổ mang là "sát thủ", một gram nọc độc khô có thể giết khoảng 166 người, thì hổ mang chúa sẽ là "thần chết" bởi độc tố còn mạnh hơn gấp 5 lần hổ mang.
Trước đó, cơ sở này từng nuôi con rắn hổ chúa 27kg, dài 4,2m nhưng do lớn tuổi khi mất đi rắn trở thành tiêu bản trưng bày trong Bảo tàng rắn. Bảo tàng này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam.
Chị Mai Thái Hiền (áo đỏ), Phó Bộ phận Du lịch của Trại rắn Đồng Tâm thuyết minh cho du khách tham quan về loài rắn cạp nong hay còn gọi là rắn mai gầm.
"Loài rắn này ban ngày chậm chạp, ù lì nhưng đêm xuống chúng linh hoạt cực kỳ. Đặc biệt độc tố của rắn mai gầm rất nguy hiểm, nên dân gian thường có câu "rắn mai gầm cắn nằm tại chỗ; rắn hổ cắn còn kịp về nhà" để so sánh nọc độc của hai loại rắn với nhau. Nọc của rắn mai gầm ảnh hưởng tới thần kinh và mạch máu", chị Hiền thông tin.
Một loài rắn khác nguy hiểm không kém là rắn lục đuôi đỏ, những năm gần đây nhất là vào mùa mưa có nhiều người bị loài rắn này tấn công. Điểm đặc biệt của giống loài này là thích ẩn mình trong nhánh cây, bụi cỏ và không sợ con người.
Rắn lục đuôi đỏ có phần đầu hình tam giác, răng nanh dài và nhọn. Nọc độc rắn lục đuôi đỏ có thể gây tổn thương hoặc hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu - tức là làm cho nạn nhân dễ bị chảy máu hơn và khó đông hơn.
Bên cạnh những loài rắn dữ, Trại rắn Đồng Tâm đang nuôi nhiều loại rắn hiền như rắn hổ ngựa, rắn lục kim, rắn ráo... Những loài rắn này thường sống bầy đàn, quấn lấy nhau.
Loài rắn lục kim lành tính, vết cắn chỉ xây xát nhẹ nên một số người nuôi chúng làm thú cưng hoặc động vật diễn xiếc.
Từ năm 2022, Trại rắn Đồng Tâm tổ chức hoạt động trình diễn lấy nọc rắn vào 10h thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Hoạt động thu hút hàng trăm, nghìn du khách đến xem vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Các loài rắn thường lấy nọc như rắn hổ mang đất, rắn lục đuôi đỏ, cạp nong... nhằm phổ biến kiến thức về các loài rắn độc để phòng tránh, cấp cứu đúng cách.
Anh Phạm Tuấn Anh (du khách TPHCM) chụp ảnh với chú trăn sau khi thưởng thức màn trình diễn lấy nọc rắn.
Nam du khách bày tỏ: "Chứng kiến các kỹ thuật viên lấy nọc rắn nhìn rất đơn giản nhưng họ phải có tay nghề cao, rất bản lĩnh mới làm được. Chuyến đi hôm nay tôi thấy rất bổ ích vì nhận biết được nhiều loài rắn có độc, rắn không độc để biết cách phòng tránh".
Một số loài rắn lành tính được du khách vuốt ve, cưng nựng như thú cưng.
Bên cạnh chăm sóc, bảo tồn các chủng loài rắn, Trại rắn Đồng Tâm còn quản lý, bảo tồn gen cho nhiều loài động vật quý hiếm như hổ Bengal, gấu, vượn, trăn gấm, trăn đất...