Hồi ấy, phía trước sân nhà tôi có con rạch rộng nhiều cá tôm. Khi con nước bắt đầu ròng, ba tôi thường mang đăng xuống cắm ngang rạch, chỉ chừa một khoảng nhỏ chính giữa đặt đó (*) vào. Khi nước ròng rút cạn, ba liền xuống dỡ đó lên bắt cá. Nhìn những con cá trắng đủ chủng loại và kích cỡ như: cá chốt, cá linh, cá he, cá lòng tong,… vảy lấp lánh ánh bạc nhảy xoi xói trông thật bắt mắt, nhiều nhất phải kể là cá xác sọc.
Cá xác sọc tươi sống (đã làm sạch) được bày bán nơi chợ. (Ảnh: BCT)
Cá xác sọc (còn gọi là cá sóc sọc) là loại cá da trơn nước ngọt, xuất hiện nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Cá có tập quán sống nơi tầng mặt và tầng đáy của thủy vực; là loài ăn tạp, mồi ưa thích của chúng là các sinh vật ươn (hôi). Thân cá dài, dẹp (dài khoảng 1,8 - 22,3 cm). Đầu cá hình nón dẹp, thân màu đen ửng xanh lá cây và nhạt dần xuống bụng. Bụng cá màu trắng bạc ửng hồng, dọc hai bên thân có 2 sọc đen. Thịt cá xác sọc mềm, ngọt, thơm ngon và nhất là lườn cá (bụng cá) đầy những mỡ, có vị béo rất riêng. Ngày xưa, cá xác sọc cũng như cá chốt, cá linh,... giá khá rẻ nên ít ai để ý tới. Nay, cá xác sọc được người dân phố thị ưa chuộng, nhất là qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ miền Tây đã trở thành những món ngon “đặc sản” như: nấu canh chua, nướng muối ớt,… Và, món ăn gây ấn tượng mỗi khi du khách đến tham quan nơi đây phải kể là: Cá xác sọc kho tộ.
Cá xác sọc kho tộ với màu sắc hài hòa bắt mắt và mùi thơm hấp dẫn. (Ảnh: BCT)
Chế biến món ăn này tuy rất dễ dàng nhưng cũng cần có những bí quyết riêng của người đầu bếp. Trước hết, cá mua ở chợ phải lựa cá còn tươi, mang còn đỏ. Cá xác sọc vốn nhiều nhớt và mùi tanh. Để khử mùi tanh, cá khi làm xong phải rửa với một ít nước cốt chanh (hoặc giấm) rồi xả nhiều lần với nước lạnh cho sạch, cắt cá thành từng khúc, để ra rổ cho ráo. Tiếp đến, cho cá vào tô ướp gia vị (nước mắm + bột ngọt + đầu hành lá xắt nhuyễn + nước màu dừa + ớt…) cho vừa khẩu vị, để ngấm khoảng 15 phút. Bắc tộ lên bếp với ngọn lửa liu riu. Khi nước ướp sôi, dùng đũa trở đều 2 mặt cho đến khi nước rút gần cạn đáy nồi là cá chín. Cuối cùng, cho thêm một ít mỡ, một ít tiêu xay, nhắc xuống, dọn ra bàn là xong!. Ngoài ra, muốn cho món cá kho tộ hấp dẫn hơn, khi nước kho cá gần cạn, dùng đũa quẹt “có chỉ”, nên thêm vài muỗng nước cơm vào khi cá vừa chín tới. Thật tuyệt vời, trong khung cảnh miền Tây sông nước hữu tình, du khách được thưởng thức món cá xác sọc kho tộ với canh khoai tím nấu với tôm càng thơm lừng hấp dẫn! Chan miếng canh khoai tím vào chén và dùng đũa giẽ miếng thịt cá xác sọc kho tộ cho vào miệng nhấn nhá nhai… Và một miếng cơm nóng vào, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo của thịt cá xác sọc (nhất là bụng cá) hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của khoai tím “trơn tuột” vào miệng lan tỏa khắp giác quan. Thật bất ngờ, đĩa cơm nóng đơm đầy của chủ quán bưng ra lúc đầu nay đã “sạch veo” lúc nào không hay biết!... (*) Đó: Dụng cụ đánh bắt cá có hình trụ (cao khoảng 2 m, đường kính khoảng 1m) bện bằng những cọng nan tre chuốt tròn (tương tự như cái lọp), phía trên có nắp đậy (mở ra được để trút cá), phía dưới đáy cố định. Dọc theo chiều cao thân có hom hình chữ V để cá chui vào và không ra được.
Theo BA CẦN THƠ (Dân Việt)