Để sở hữu một làn mi dài và cong vút tự nhiên, giúp đôi mắt thêm phần cuốn hút, nhiều chị em đã lựa chọn phương pháp cấy mi sinh học nano. Đây là phương pháp làm đẹp như thế nào? Cấy mi sinh học nano có hại không? Khi thực hiện cần lưu ý những gì để tránh ảnh hưởng đến mắt? Những thông tin trong bài sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.
Phương pháp cấy mi sinh học nano là gì?
Công nghệ cấy mi sinh học nano có xuất xứ từ châu Âu. Phương pháp cấy mi giúp cải thiện độ dài và độ dày của mi mắt, giúp đôi mắt có chiều sâu và thu hút hơn. Cấy mi sinh học nano sử dụng các thiết bị công nghệ cao để đưa tế bào gốc cấy vào các vùng mi mắt mỏng và thưa.
Phương pháp này thúc đẩy sự phát triển tự nhiên của nang lông trên mí mắt, giúp tạo ra hàng mi dài và dày như mong muốn. Đặc biệt, nó còn kích thích quá trình phát triển tự nhiên của mi mắt mà không cần sử dụng mi giả.
Quy trình cấy mi sinh học nano
Quy trình cấy mi nano sinh học bao gồm các bước sau:
Kiểm tra và lên kế hoạch cấy mi
Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và mi của bạn, xác định độ dài và vị trí cần cấy mi. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, thì họ sẽ tư vấn điều trị trước khi lên kế hoạch cấy mi.
Bóc tách nang tóc chứa tế bào gốc
Bác sĩ sẽ thực hiện bóc tách nang tóc chứa tế bào gốc từ vùng tóc phát triển khỏe mạnh nhất để cấy vào vùng mi mắt cần cải thiện.
Thực hiện cấy mi
Trước khi thực hiện cấy mi, vùng mắt, mi mắt và vùng xung quanh sẽ được vệ sinh và ủ tê. Sau đó, bác sĩ sử dụng máy móc công nghệ cao để cấy tế bào gốc vào mi mắt.
Định hình mi mắt
Sau khi cấy mi xong, bác sĩ sẽ thoa dưỡng chất lên mi mắt và sử dụng ánh sáng sinh học và sóng siêu âm để định hình mi mắt, giúp mi mắt mọc đều, tránh tình trạng mọc đâm vào mắt hoặc mọc rủ xuống.
Kiểm tra kết quả và hoàn thành quy trình cấy mi
Bác sĩ sẽ kiểm tra kết quả và theo dõi sức khỏe của bạn. Sau khi hoàn thành quy trình cấy mi, bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc mi đúng cách và được kê đơn thuốc nếu cần thiết.
Cấy mi sinh học nano có hại không?
Cấy mi sinh học là một giải pháp cho vấn đề lông mi thưa hoặc không có lông mi, đồng thời cải thiện sức khỏe của nang lông mi. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro như sau:
- Rủi ro phẫu thuật: Quá trình phẫu thuật và gây tê có thể mang lại rủi ro nhiễm trùng, dị ứng hoặc sốc phản vệ.
- Khả năng không thích ứng: Tế bào nang tóc gốc có cấu trúc khác với tế bào nang mi, do đó cấy tế bào gốc vào mi mắt có thể gây ra tình trạng không thích ứng và viêm nhiễm.
- Chất lượng cơ sở cấy mi: Việc cấy mi tại cơ sở không đáng tin cậy có thể gây tắc lỗ tuyến sụn mi, mi mọc không thẳng hàng và gây tổn thương cho giác mạc. Ngoài ra, một kỹ thuật cấy ghép không đúng cách có thể gây hủy hoại hoặc làm rụng nang mi và lông mi tự nhiên.
Để giảm thiểu rủi ro, quan trọng là lựa chọn một cơ sở uy tín và được đào tạo đúng cách với các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cấy mi sinh học. Bạn nên thảo luận và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định thực hiện phương pháp cấy mi này.
Cần lưu ý gì khi thực hiện cấy mi sinh học nano?
Để đạt được kết quả tốt nhất khi thực hiện cấy mi sinh học nano, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Giữ cho mắt và mi mắt trong tình trạng bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh trước khi thực hiện cấy mi.
- Lựa chọn cơ sở cấy mi uy tín và chất lượng để tránh rủi ro không mong muốn.
- Trong vòng 3 ngày sau khi cấy mi, bạn cần hạn chế tiếp xúc vùng mắt với nước, khói bụi và ánh nắng mặt trời. Trong những ngày tiếp theo, bạn sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch vệ sinh mắt theo hướng dẫn của bác sĩ để làm sạch mắt và mi mắt.
- Trong vòng 48 giờ sau khi cấy mi, bạn cần hạn chế các hoạt động tăng độ kích thích cho mắt như sử dụng điện thoại, xem TV, làm việc trên máy tính và đọc sách báo.
- Tránh trang điểm, sử dụng nước tẩy trang, mascara và kính áp tròng trong thời gian ngắn sau khi cấy mi.
- Chăm sóc mi mắt theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình phục hồi tốt nhất.
- Nếu vùng mi mắt có dấu hiệu như mi mọc lệch, sưng tấy, viêm nhiễm, thì bạn cần đến ngay cơ sở cấy mi để kiểm tra. Đặc biệt, hãy tuân thủ lịch hẹn khám để phát hiện sớm bất thường nếu có.
- Bổ sung chế độ ăn uống với các chất dinh dưỡng tốt cho mắt. Điều này giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe của hàng mi từ bên trong, ngăn ngừa gãy rụng và cải thiện hiệu quả của phương pháp cấy mi sinh học.
- Người có vấn đề về mi mắt hoặc bệnh liên quan đến mắt không nên thực hiện cấy mi sinh học. Cấy mi có thể làm các tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người nang mi yếu cũng không nên áp dụng phương pháp cấy mi sinh học nano.
Mong rằng qua các thông tin hữu ích trên, bạn đã hiểu rõ hơn về phương pháp cấy mi, từ đó giải đáp được thắc mắc "cấy mi sinh học nano có hại không?". Việc cấy mi an toàn không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi thế, bạn nên tìm hiểu thông tin, xem xét kỹ lưỡng và cẩn thận trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng hợp