Định luật Có hay Không trong các mối quan hệ
Một đồng nghiệp của vợ tôi từng kết hôn vì “có vẻ đó là điều nên làm”. Nghe đến chữ “có vẻ” là tôi đã thấy sai ngay từ đầu.
Nó khác với việc bạn khai thuế, vì trốn thuế thì bạn vướng rắc rối pháp luật. Nó cũng không giống việc bạn thay tã cho trẻ con, vì không thay thì đứa bé sẽ bị bệnh. Bạn không kết hôn với ai vì “có vẻ đó là điều nên làm”. Bạn kết hôn vì bạn không thể hình dung nổi cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu không ở bên họ.
Quay lại chuyện cậu đồng nghiệp của vợ tôi - quả nhiên 4 năm sau đám cưới, cậu ta ngoại tình bất cứ khi nào có thể. Cuộc hôn nhân đó không phải điều cậu ta nên nói “có”. Đáng nhẽ cậu nên từ chối ngay từ đầu.
Đôi khi định luật này sẽ áp dụng ở các cấp độ khác nhau cho cùng một đối tượng. Bạn có thể rất hứng thú làm bạn với một người, nhưng lại hơi hờ hững chuyện “mây mưa” với họ. Trong tình huống này, tình bạn sẽ là “có”, còn tình yêu sẽ là “không”. Cứ như vậy mà áp dụng định luật với từng trường hợp để ra quyết định phù hợp nhất.
Tuy nhiên định luật “Có hay Không” không có nghĩa bạn phải yêu ai đó ngay từ cái nhìn đầu tiên thì mới nên nói có. Nó cũng không có nghĩa bạn phải hoàn toàn bị người kia thuyết phục rằng họ là “người đúng” của bạn.
Bạn hoàn toàn có thể nói “có” với việc cần thêm thời gian để hiểu rõ người ấy hơn. Bạn cũng nên nói “có” nếu bạn muốn suy nghĩ xem có khắc phục được các vấn đề đang tồn tại trong mối quan hệ này hay không. Bạn cũng có thể nói “có” với một mối quan hệ không hạnh phúc, nếu bạn nhìn thấy tiềm năng thay đổi trong tương lai.
Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, cả bạn và người ấy đều phải muốn những điều giống nhau, và đều đồng ý nói “có” với chúng. Nếu không thì bạn chỉ đang lãng phí thời gian mà thôi.