Chàm da là một trong những bệnh da liễu phổ biến nhiều người mắc phải. Bệnh chàm có thể xảy ra ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể từ tay, chân, mắt, môi, má, toàn mặt,… Trong đó, chàm da mặt là tình trạng khó chịu nhất khi vừa gây triệu chứng ngứa, khô, rát da lại vừa làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự tự tin của người bệnh. Vậy khi bị chàm da mặt, chúng ta cần làm gì?
Chàm da mặt là bệnh gì?
Chàm là căn bệnh ngoài da gây mất thẩm mỹ và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Bệnh da liễu này thường gặp nhất ở trẻ em và người lớn, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Chàm khô da mặt là một dạng tổn thương da mãn tính, bùng phát theo đợt.
Chàm da mặt hay chàm eczema có biểu hiện đặc trưng là các mảng da đỏ, hơi sưng, ngứa ngáy, khô ráp, bong tróc. Điều này kích thích hành vi gãi ngứa của người bệnh, nhất là trẻ em gây trầy xước da, chảy dịch, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và hình thành sẹo. Tùy từng bệnh nhân, vết chàm trên mặt có diện tích, màu sắc và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Ngoại triệu chứng điển hình như trên, có một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm chàm ở da mặt như:
- Các đốm màu đỏ trên da mặt không có ranh giới phân định rõ ràng. Các đốm da màu đỏ này thường có xu hướng lan rộng ra và cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát, khó chịu sẽ gia tăng.
- Một số người bệnh có triệu chứng phù nề, viêm quanh mí mắt.
- Tại vùng da bị chàm có thể xuất hiện mụn nước với màng rất mỏng nên dễ vỡ. Khi các mụn nước này vỡ, da sẽ đóng vảy, bong tróc và hình thành lớp da non.
- Một số bệnh nhân vùng da bị chàm bị nứt nẻ, chảy máu, tụ dịch mủ,…
Nguyên nhân gây chàm da mặt
Có thể kể đến những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến bệnh chàm trên da mặt như:
- Di truyền từ cha mẹ sang con cái là một trong những nguyên nhân cần kể đến. Trong gia đình có bố mẹ từng mắc bệnh chàm da thì nguy cơ con bị chàm da mặt cũng cao hơn.
- Một số bệnh lý như hen suyễn, sốt cỏ khô cũng có thể là nguyên nhân gây ra những vết chàm trên mặt.
- Da bị kích ứng do dị ứng thực phẩm, dị ứng mỹ phẩm, hóa chất,... cũng có thể dẫn đến việc hình thành các vết chàm.
- Khi da mặt tiếp xúc với môi trường ô nhiễm với nhiều bụi mịn, khói độc, hóa chất, nấm mốc, phấn hoa, lông thú,… cũng có thể kích hoạt phản ứng viêm trên da gây chàm da mặt.
- Một số người bị thay đổi nội tiết tố một cách đột ngột, khiến tăng độ nhạy cảm của da. Đây là điều kiện thuận lợi để các dị nguyên tấn công da và gây chàm trên da mặt.
- Khi hệ miễn dịch hay đề kháng của da suy giảm, các tác nhân gây bệnh cũng dễ tấn công da gây bệnh chàm.
- Nếu chăn, ga, gối, đệm, khăn, mũ, khẩu trang không thường xuyên được làm sạch cũng là nơi trú ẩn của các tác nhân gây viêm da dẫn đến chàm da.
- Căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh chàm eczema.
Cách chăm sóc da và điều trị chàm da mặt
Chàm da mặt là bệnh mãn tính và có xu hướng tái phát theo đợt. Vì vậy, ngoài điều trị các triệu chứng bệnh, chúng ta cũng cần biết cách chăm sóc làn da nhạy cảm này một cách khoa học. Cụ thể là:
Chăm sóc da mặt bị chàm hàng ngày đúng cách
Với làn da chàm nhạy cảm, dễ tổn thương, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, trong quá trình chăm sóc da mặt bạn cần lưu ý:
- Chọn loại sữa rửa mặt có độ pH tương đồng với độ pH tự nhiên của da (khoảng 4.5 đến 5.6) và không chứa các thành phần có hại cho da, thành phần dễ gây kích ứng da.
- Không nên dùng các loại mỹ phẩm để che đi vùng da mặt bị chàm.
- Chú trọng việc dưỡng ẩm, chăm sóc và dưỡng da khỏe từ bên trong để kiểm soát tình trạng da khô ráp, nứt nẻ, sừng hóa, sưng tấy.
- Không chà xát mạnh hay gãi ngứa làm tổn thương da. Bạn có thể chườm mát để giảm kích ứng và khó chịu.
- Không nên xông hơi da mặt hay để da mặt tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ kích hoạt phản ứng viêm, khiến tình trạng chàm da thêm nghiêm trọng.
- Tăng cường uống nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nhất là các thực phẩm giàu vitamin C, omega-3 để tăng đề kháng cho da.
- Duy trì chế độ làm việc khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, giảm stress, cân bằng nội tiết tố để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây chàm da mặt.
Chàm da mặt bôi gì thì khỏi?
Chàm bôi gì thì khỏi là thắc mắc của rất nhiều người. Trong trường hợp chàm da mức độ nặng, bạn cần đi khám bác sĩ da liễu. Có thể bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc chữa chàm da như:
- Betamethasone thường được bác sĩ kê cho người bị chàm da mặt mãn tính. Thuốc kiểm soát tốt triệu chứng của bệnh chàm, kháng viêm, phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc có thể gây teo da, chảy dịch, thay đổi sắc tố da nên không được dùng quá 1 tuần.
- Thuốc Eucrisa chứa Crisaborole có thể ức chế hoạt động của men Phosphodiesterase 4B. Nhờ đó, thuốc giúp giảm các triệu chứng của bệnh chàm, ngăn ngừa hình thành mụn nước.
- Thuốc Eucerin Eczema Relief l khá lành tính và dùng được cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Thuốc Salicylic kiểm soát các triệu chứng bệnh chàm và ngăn ngừa vết chàm lan rộng.
Nguyên liệu thiên nhiên chữa chàm da mặt
Một số nguyên liệu thiên nhiên có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh chàm da mặt như: Nha đam, dầu ô liu, sữa chua không đường, mật ong,… Các nguyên liệu này có công dụng như: Diệt khuẩn, kháng viêm, giảm kích ứng trên da, giảm các triệu chứng của bệnh chàm da, dưỡng ẩm cho da, đẩy nhanh quá trình làm lành da,…
Khi bị chàm da mặt, bạn nên chú trọng việc chăm sóc, dưỡng ẩm cho da hàng ngày. Khi thấy dấu hiệu trở nặng, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu sớm để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.