Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Vú nhạy cảm là tình trạng phổ biến ở nhiều phụ nữ. Ngoài tình trạng vú nhạy cảm, một số người có thể gặp phải các dấu hiệu như đau, nhức nhối, vú căng tức. Dưới đây là một số nguyên nhân, triệu chứng dẫn đến tình trạng vú nhạy cảm.
1. Áo ngực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vú nhạy cảm
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vú là do mặc áo ngực không vừa vặn. Áo ngực có vai trò hỗ trợ nâng đỡ các mô mỡ nặng ở ngực của phụ nữ. Áo ngực quá lớn, quá cũ hoặc quá giãn có thể không mang lại sự hỗ trợ đúng mực. Khi vú của bạn phải chen chúc cả ngày, chúng có thể dễ dàng bị đau. Bạn cũng có thể cảm thấy đau lưng, cổ và vai. Mặt khác, mặc áo ngực quá nhỏ hoặc quá chật có thể gây quá nhiều áp lực lên ngực và dẫn đến tình trạng vú nhạy cảm. Nếu bạn cho rằng áo ngực của mình có thể là nguyên nhân gây vú căng tức, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Ngực của bạn có bị tràn ra ngoài áo ngực không?
- Dây đeo phía sau có gây ra vết lằn sâu vào da của bạn không?
- Bạn đang mặc áo ngực hàng ngày với chiếc khóa thắt chặt nhất hoặc lỏng nhất?
- Áo ngực của bạn có bị kéo cao lên ở phía sau lưng không?
- Có khe hở giữa hai vú của bạn không?
2. Có thể do tình trạng căng cơ
Cơ ngực nằm ngay bên dưới và xung quanh vú của bạn. Khi bạn làm căng cơ này, cơn đau có thể cảm thấy như đang xuất phát từ bên trong vú của bạn. Loại đau vú này thường chỉ giới hạn ở một bên vú.
Một số biểu hiện khác có thể xuất hiện đồng thời như:
- Sưng tấy
- Bầm tím
- Khó cử động cánh tay hoặc vai
Căng cơ vùng ngực thường gặp ở vận động viên và những người tập tạ, nhưng chúng vẫn có thể dễ dàng xảy ra với tất cả mọi người. Các hoạt động lao động thường ngày điển hình như cào, xúc hoặc thậm chí bế em bé cũng có thể dẫn đến cảm giác vú căng tức. Một điều may mắn là đa số các trường hợp đều có thể được điều trị tại nhà.
3. Vú nhạy cảm do sưng hoặc bầm tím
Đó có thể là do bạn xách một chiếc túi đeo chéo quá nặng hoặc va mình vào đồ vật khi đang bế trẻ. Quan hệ tình dục cũng là một nguyên nhân phổ biến của chấn thương vú, khi nó bị nắm lấy quá mạnh hoặc bị ép chặt. Các cơn đau nhẹ do vết sưng tấy hoặc vết bầm tím thường sẽ biến mất sau vài ngày. Bạn có thể thử những cách sau để giúp giảm bớt các triệu chứng của mình:
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve) có tác dụng giảm đau và giảm viêm sưng.
- Chườm đá hoặc chườm nóng: Sử dụng bất kỳ cách nào trong hai cách để có tác dụng giảm đau.
- Thay áo lót: Lựa chọn chất liệu mềm mại và hỗ trợ, nên ưu tiên áo ngực không có gọng.
4. Vú nhạy cảm do chu kỳ kinh của bạn
Hầu hết các cơn đau vú ở phụ nữ là do thay đổi nội tiết tố. Các bác sĩ gọi đây là cơn đau vú theo chu kỳ vì nó liên quan trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Các hóc môn như Estrogen và Progesterone dao động trong suốt tháng, tàn phá cơ thể và não bộ của bạn. Estrogen và Progesterone thực sự có thể làm tăng kích thước, số lượng ống dẫn và tuyến sữa trong vú của bạn. Điều này làm cho vú nhạy cảm, căng tức.
Một vài ngày trước khi bắt đầu có kinh, cả hai vú có thể sưng lên và trở nên mềm, đau hoặc thậm chí nổi cục. Bạn cũng có thể cảm thấy đau xung quanh vú, bao gồm cả vùng trên vú, hai bên ngoài của vú, nách và cánh tay. Hiện tượng vú nhạy cảm và căng tức sẽ hết ngay sau khi kỳ kinh nguyệt của bạn kết thúc.
Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà thường đủ để giúp giảm bớt các triệu chứng:
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve) điều trị đau và giảm sưng.
- Chườm đá hoặc chườm nóng: Sử dụng bất kỳ cách nào có tác dụng để giảm đau.
- Tránh caffeine: Nó có thể làm tăng cảm giác khó chịu.
- Mặc “áo lót dành riêng cho chu kỳ kinh”: Bạn nên lựa chọn một chiếc áo lót lớn hơn.
- Giảm lượng muối ăn vào: Muối góp phần giữ nước và làm ngực bị sưng tấy. Sưng tấy là một phần nguyên nhân khiến cho ngực của bạn rất nhạy cảm.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc và thử một kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng, chẳng hạn như yoga hoặc thiền.
Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về biện pháp ngừa thai bằng nội tiết tố. Phương pháp ngừa thai làm ngưng rụng trứng, điều này có thể giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt của bạn.
5. Vú nhạy cảm có thể là dấu hiệu mang thai
Khi mới mang thai, cơ thể bạn trải qua rất nhiều thay đổi về nội tiết tố. Hóc môn kích hoạt các biến đổi chuẩn bị cho cơ thể để duy trì thai kỳ. Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, bạn có thể nhận thấy ngực của mình bị sưng và mềm. Núm vú của bạn cũng có thể lòi ra ngoài. Các dấu hiệu gợi ý mang thai khác bao gồm:
- Trễ kinh
- Buồn nôn, có hoặc không nôn
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
- Mệt mỏi
- Táo bón và ợ chua
- Thay đổi trong sở thích thực phẩm
Nếu bạn bị đau vú nghiêm trọng, hãy nói chuyện với bác sĩ sản phụ khoa. Bạn cũng nên nói với bác sĩ nếu sờ thấy khối u, nhận thấy những thay đổi trên da hoặc tiết dịch núm vú.
Dưới đây là những gì bạn có thể làm để cảm thấy thoải mái hơn với sự thay đổi vú trong thai kỳ:
- Chườm nóng: Đệm sưởi điện hoặc khăn ẩm, ấm có thể làm giảm đau và giảm sưng tấy trong thời kỳ đầu mang thai.
- Hạn chế sờ vào vú:Trong vài tuần đầu, việc sờ vú và làm tình có thể không thoải mái.
- Thử một chiếc áo ngực mới: Mặc áo ngực mới ít nhất một lần trong thời kỳ mang thai để phù hợp hơn cho bộ ngực đang phát triển của bạn.
- Sử dụng miếng lót ngực: Bạn có thể sử dụng miếng lót ngực trong tam cá nguyệt đầu tiên để ngăn núm vú nứt.
- Mặc áo ngực khi đi ngủ: Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng mặc áo lót dành cho bà bầu hoặc áo lót thể thao giúp họ ngủ thoải mái hơn.
6. Việc cho con bú có thể khiến vú nhạy cảm hơn
Nhiều bà mẹ cảm thấy đau đầu vú khi mới bắt đầu cho con bú. Cách ngậm núm vú không đúng cách có thể gây ra nhiều đau đớn và không có gì lạ khi núm vú bị khô và nứt. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn cho con bú nếu núm vú của bạn bị đau hoặc thô.
Việc cho con bú cũng có thể dẫn đến:
- Viêm vú: Điều này có thể gây đỏ, đau và các triệu chứng giống như cúm. Vú căng tức. Việc sản xuất quá nhiều sữa có thể dẫn đến căng sữa, làm cho vú của bạn bị đau và cứng. Nó cũng có thể dẫn đến các ống dẫn bị tắc.
- Tắc ống dẫn sữa: Một ống dẫn sữa bị tắc có cảm giác giống như một cục u mềm và đau, thường chỉ ở một bên vú.
- Nhiễm nấm: Nhiễm trùng nấm men có thể gây đau nhức, đau rát và ngứa đầu vú.
Nếu việc cho con bú bị đau, bạn cũng có thể nói chuyện với chuyên gia tư vấn về việc cho con bú. Nghiên cứu các kỹ thuật cho con bú và nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa thường là những cách tốt nhất để giảm đau khi cho con bú. Bạn cũng có thể thấy hữu ích khi:
- Thử vắt sữa ra hoặc hút một ít sữa giữa các lần cho con bú nếu vú của bạn cứng và căng sữa: Điều này sẽ làm mềm vú và núm vú.
- Thử thay đổi tư thế mỗi khi cho con bú: Sau khi cho con bú, hãy vắt một vài giọt sữa và xoa quanh núm vú của bạn. Nó có đặc tính chữa lành và giúp làm dịu da nứt nẻ.
- Xoa bóp khu vực xung quanh ống dẫn sữa bị tắc và chườm ấm.
- Tránh giữ hơi ẩm bên dưới miếng đệm ngực: Để núm vú của bạn khô thoáng sau khi cho con bú và thử sử dụng miếng bông thoáng khí. Thay đổi chúng thường xuyên.
- Nếu bạn đi làm trở lại, hãy hút sữa theo đúng lịch mà bé đã bú khi bạn ở nhà.
7. Vú nhạy cảm có thể do các loại thuốc nội tiết tố
Đau và căng vú là tác dụng phụ của một số loại thuốc nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai chứa các hóc môn sinh sản là estrogen và progesterone. Các tác dụng phụ khác của thuốc tránh thai bao gồm:
- Tăng cân
- Đau đầu
- Chảy máu bất thường
- Thay đổi tâm trạng
Các chất bổ sung và thay thế hóc môn cũng có thể dẫn đến đau vú. Điều này bao gồm cả các phương pháp điều trị vô sinh và liệu pháp thay thế hóc môn (HRT) được sử dụng sau khi mãn kinh.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc thử một loại thuốc khác. Các nhãn hiệu khác nhau có các cách kết hợp hóc môn khác nhau, bạn có thể dung nạp loại này tốt hơn loại khác. Nếu bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố, bạn có thể:
- Thử đặt vòng tránh thai nội tiết tố.
- Thử sử dụng vòng tránh thai bằng đồng, không chứa hóc môn.
- Chuyển sang dùng bao cao su.
Nếu đang điều trị liệu pháp hóc môn thay thế, bạn có thể cân nhắc chuyển từ thuốc uống hoặc thuốc tiêm sang kem bôi. Điều này có thể giúp bạn kiểm soát liều lượng hóc môn cũng như vị trí nó có thể lây lan.
8. Ngực của bạn bị xơ hóa
Những thay đổi về sợi cơ ở vú là nguyên nhân phổ biến của tình trạng đau vú. Hơn một nửa số phụ nữ trải qua những thay đổi tế bào sợi tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Nhiều phụ nữ có loại mô vú này lại không gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Nếu các triệu chứng xuất hiện ở hiện tại, chúng có thể bao gồm:
- Đau đớn
- Sưng
- Các kết cấu dạng cục hoặc dạng sợi
- Giảm đàn hồi ở vú
Các triệu chứng này thường xuất hiện ở vùng trên, bên ngoài của vú. Các triệu chứng của bạn có thể xấu đi ngay trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Bạn có thể tự điều trị các dấu hiệu này với các biện pháp như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen (Tylenol) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil) sẽ hữu ích.
- Nhiệt: Bạn cũng có thể thử sử dụng miếng đệm nóng hoặc chườm nước nóng để giảm đau.
- Áo lót nâng đỡ: Bạn có thể thấy rằng mặc áo ngực thể thao giúp giảm bớt một số áp lực lên ngực.
- Kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố: Thuốc tránh thai đường uống có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn trong kỳ kinh nguyệt.
Mặc dù các triệu chứng này thường có thể được điều trị tại nhà, nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy:
- Một cục u mới
- Một cục u có vẻ lớn hơn
- Đau liên tục hoặc ngày càng trầm trọng
- Những thay đổi tiếp tục sau khi kỳ kinh của bạn kết thúc
9. Vú nhạy cảm có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng
Tình trạng nhiễm trùng mô vú được gọi là viêm vú. Viêm vú phổ biến nhất ở phụ nữ đang cho con bú, nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nó thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú.
Các triệu chứng có thể bắt đầu đột ngột. Ngoài cơn đau, bạn có thể gặp phải:
- Sưng tấy
- Nóng ran
- Đỏ da vú
- Sốt
- Ớn lạnh
Nếu bạn đang có các triệu chứng nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Họ sẽ kê một đợt thuốc kháng sinh uống, thường có thể làm hết nhiễm trùng trong vòng một tuần. Nếu không điều trị, bạn có thể bị áp xe. Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh, bạn nên:
- Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng, giống như khi bạn bị cúm.
- Tránh mặc áo ngực hoặc quần áo chật cho đến khi hết nhiễm trùng.
- Nếu bạn đang cho con bú, hãy tiếp tục làm như vậy. Tăng cữ bú hoặc vắt sữa giữa các cữ bú có thể làm giảm cơn đau.
10. Vú nhạy cảm có thể là một phần của u nang
U nang vú là những túi nhỏ trong vú chứa đầy chất lỏng. U nang là những cục mềm, hình tròn hoặc bầu dục, có cạnh dễ sờ thấy. Bạn có thể có một hoặc nhiều u nang. Chúng có thể xuất hiện ở một bên vú hoặc cả hai. Nhiều phụ nữ bị u nang không gặp bất kỳ triệu chứng nào, nhưng bạn có thể cảm thấy đau.
Thường thì các cục u sẽ trở nên lớn và đau hơn ngay trước khi bắt đầu kỳ kinh, sau đó giảm dần khi hết kinh. Bạn cũng có thể bị tiết dịch núm vú. Nếu bạn nghi ngờ mình bị u nang, hãy đến gặp bác sĩ.
U nang không có triệu chứng thì không cần điều trị. Trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng các biện pháp như:
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve) có thể điều trị đau và giảm sưng.
- Đắp một miếng gạc: Một miếng gạc nóng hoặc lạnh có thể làm giảm đau.
- Ăn ít muối: Muối góp phần giữ nước, có thể dẫn đến sưng và đau.
Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà là không đủ, bác sĩ có thể hút dịch để giúp giảm các triệu chứng của bạn.
11. Tình trạng nhạy cảm vú khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Mặc dù nhiều nguyên nhân gây vú nhạy cảm có thể được điều trị tại nhà, nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bắt đầu có các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Đau hoặc sưng dai dẳng
- Sốt
- Ớn lạnh
- Tiết dịch núm vú bất thường
Bác sĩ có thể giúp chẩn đoán các triệu chứng của bạn và đưa ra một kế hoạch điều trị phù hợp với nhu cầu của bạn. Thuốc thường có thể giúp giảm các triệu chứng của bạn trong vòng một hoặc hai tuần.
- Điều trị đau và viêm bằng thuốc không kê đơn (OTC) như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve).
- Nghỉ ngơi là điều quan trọng để chữa bệnh.
- Kéo giãn cơ có thể hữu ích, vì vậy hãy thử tập yoga tại nhà
- Nhiệt có thể giúp làm dịu cơn đau, vì vậy hãy thử đặt một miếng đệm sưởi bằng điện hoặc bình nước nóng lên vú.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com