Nếu có dịp ghé thăm Hà Nội vào mùa thu, chắc hẳn các du khách không thể không ăn thử cốm làng Vòng - thức quà dân dã nhưng đầy thanh tao của người dân Thủ đô. Vậy cốm là gì, cách làm cốm như nào? Cốm làng Vòng có gì đặc biệt? Hãy cùng Bộ Bích tìm hiểu về đặc sản cốm làng Vòng Hà Nội nhé!
Cốm là gì ?
Cốm là một đặc sản ẩm thực của vùng đất Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Cốm còn có mặt ở cả miền Trung và miền Nam, tuy nhiên mỗi nơi sẽ có cách chế biến và hương vị đặc trưng riêng.
Nguyên liệu chính để chế biến món ăn này là lúa nếp non. Món cốm có hương vị thơm ngon chuẩn nhất là từ lúa nếp cái hoa vàng, loại nếp hạt căng bóng, tròn mẩy. Bên cạnh đó, các loại lúa nếp khác cũng được yêu thích là: lá nếp thơm, nếp quýt, nếp hoa, lúa lương phượng.
Cốm có nhiều loại như: cốm đầu mùa, cuối mùa, cốm non, cốm mộc, cốm già,…
Cốm làng Vòng
Khi nhắc đến cốm, người ta sẽ nhớ ngay đến ngôi làng nhỏ ở Cầu Giấy với truyền thống làm cốm từ bao đời nay, cốm làng Vòng, thứ quà quê giản dị mà lại đi vào tuổi thơ và cả khi trưởng thành của bao người. Cốm làng Vòng thơm ngọt, thanh mát, được bọc trong 2 lớp lá: lớp trong là lá ráy giúp cốm luôn mềm dẻo và được bao bởi lớp lá sen bên ngoài giúp tạo hương thơm đặc trưng và buộc bên ngoài bởi sợi rơm chứa đầy hình ảnh đồng quê Việt Nam.
Đặc điểm của cốm làng Vòng
Từ xưa, làng Vòng đã nổi tiếng với đặc sản cốm, nó còn được lưu truyền qua các câu ca dao tục ngữ dân gian:
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì Tương bần, húng Láng có gì ngon hơn!
Hình ảnh những gánh cốm nhịp nhàng trên vai các bà, các mẹ trên từng con hẻm là hình ảnh không thể thiếu của mùa thu Hà Nội. Và nói đến cốm, người ta sẽ nghĩ đến ngay cốm làng Vòng với những hạt cốm xanh ngọc mỏng manh nhưng dẻo thơm, như lắng đọng những tinh túy của đất trời, của nắng gió, để rồi khi thực khách thưởng thức đều sẽ phải nhớ về.
Cốm làng Vòng nổi tiếng khắp 4 phương bởi màu cốm xanh mát như ngọc, hạt cốm dẻo, khi ăn có vị ngọt thơm mùi sữa của lúa nếp non. Khi xưa mỗi lần vào vụ, làng Vòng lại rộn rã tiếng chày giã cốm như một bản giao hưởng đồng quê.
Cốm làng Vòng còn tinh tế trong cả cách thưởng thức. Cốm không phải món ăn để no nên không ai mua nhiều. Chỉ một gói nhỏ, ngồi nhâm nhi bên chén trà xanh, cùng bạn bè hàn huyên ngắm phố phường thì có lẽ không còn gì bằng. Ăn cốm tươi, lấy một ít bỏ vào miệng rồi từ từ thưởng thức để thấy được cái dẻo dẻo thơm thơm khi nhai, vị ngọt lan dần rồi lắng đọng nơi cuống họng. Và ngon hơn nữa khi nhâm nhi cốm với chén nước chè xanh hay ăn cùng quả hồng đỏ mọng hoặc quả chuối tiêu để tăng thêm độ ngọt, thơm của thức quà thanh tao này.
Cách làm cốm
Quy trình làm cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, những hạt cốm thơm dẻo là bao sự trân trọng và vất vả của người dân được gửi gắm trong đó. Cốm ngon thì lúa phải được cắt đúng lúc, nếu lúa già thì cốm sẽ không được xanh, bị cứng và gãy nát. Còn nếu lúa non thì cốm sẽ bị bết vào vỏ trấu, bị mềm nhão mất ngon.
Lúa nếp cái sau khi gặp về được tuốt lấy thóc, sàng bỏ rơm, đãi qua nước để bỏ đi những hạt lép, chọn những hạt thóc mẩy. Sau khi đã đãi sạch thì cho vào chảo bằng gang đúc để rang. Không được đốt bằng than vì nhiệt lượng quá cao mà phải dùng củi để có thể điều chỉnh lửa. Khi rang, ban đầu rang lửa vừa, khi hạt thóc tái trắng thì bớt lửa. Quá trình rang phải đảo đều thóc liên tục cho nóng đều.
Cốm rang chín, để nguội sẽ cho vào cối giã theo từng mẻ. Tùy theo độ non của lúa, giã và sàng sảy sẽ từ 5 đến 8 lần để thành cốm. Và cuối cùng là sàng, lọc nốt những hạt thóc còn bám lại trên cốm khoảng 3 lần nữa để ra được một mẻ cốm sạch.
Và sau khi thu được cốm sạch, cốm sẽ được gói trong 2 lớp lá. Lớp ở trong là lá ráy để giúp cốm không bị khô và phai màu xanh. Lớp bên ngoài là lá sen để tạo mùi thơm đặc trưng.
Cách bảo quản cốm
Đối với cốm tươi, nếu để ở trong điều kiện không khí bình thường thì có thể sử dụng trong vòng 2 ngày. Nếu muốn để lâu ăn dần, có thể cho vào túi nilon buộc kín và để vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản. Với cách này cốm có thể được bao lâu tùy ý. Và khi sử dụng, lấy cốm ra để rã đông tự nhiên, cốm sẽ trở lại trạng thái bình thường, mềm dẻo thơm ngon.
Đối với cốm khô, là cốm được sấy khô để không còn nước bên trong. Cốm khô thường được sử dụng để chế biến các món ăn khác. Cốm khô cần được bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.
Các món ngon từ cốm
Ngoài việc thưởng thức trực tiếp cốm tươi thì ngoài ra cốm cũng làm được vô cùng nhiều món ngon. Hãy cùng Bộ Bích tham khảo 3 món ăn vô cùng ngon và dễ làm từ cốm nhé
Xôi cốm
Xôi cốm được làm từ cốm tươi, đỗ xanh, hạt sen và dừa nạo, được ủ trong lá sen để giữ trọn được hương vị của đất trời. Hạt xôi cốm dẻo mềm, ngọt dịu hòa quyện với vị bùi bùi của đậu xanh và hạt sen kết hợp với sự béo ngậy của dừa nạo, tất cả tạo nên món ăn tinh tế của thu Hà Nội.
Chè cốm
Món ăn gây thương nhớ với thực khách bởi nét mộc nguyên sơ với những nguyên liệu đơn giản không cầu kỳ: cốm tươi, bột sắn dây, đường phèn. Không nhiều topping như những món chè khác nhưng nhiều người vẫn yêu thích món chè này bởi nó giữ trọn vị dẻo thơm của cốm, ngọt thanh của đường phèn và độ quánh của sắn dây.
Chả cốm
Nếu được hỏi cốm làm món gì ngon nhất thì câu trả lời chính là chả cốm. Chả cốm có lớp vỏ ngoài giòn, nhân bên trong mềm dẻo, dậy lên hương thêm của cốm tạo nên một sự hấp dẫn lạ thường. Chả cốm làm vô cùng đơn giản nhưng lại hấp dẫn khó quên.
Nếu bạn muốn thưởng thức món chả cốm thơm dẻo chuẩn vị mà không có thời gian chuẩn bị, có thể qua Bộ Bích để trải nghiệm món ăn.
Xem thêm : Cách làm chả cốm tại nhà chuẩn vị Hà Nội
Thức quà Hà Nội gây thương nhớ với rất nhiều thực khách khi đến với mảnh đất thủ đô. Bộ Bích hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm được về cốm làng Vòng và biết thêm về các món ăn có thể làm từ cốm.