Hình ảnh tấm biển với nội dung "Khu vực để xe Lead (đời cũ)" tại điểm trông giữ xe thuộc một trường đại học ở Hà Nội đã thu hút sự chú ý của cộng đồng. Không phải mẫu xe đắt tiền nào đó hay mô-tô phân khối lớn mà vị trí đặc biệt này lại dành cho dòng xe phổ thông và còn nhấn mạnh thêm là xe "đời cũ".
Thực tế không riêng trường đại học trên mà một số điểm trông giữ xe cũng bố trí khu vực riêng dành cho xe Honda Lead. Nguyên nhân xuất phát từ việc dòng xe máy này dễ bị lấy cắp IC nên nhân viên bảo vệ thường gom xe lại để ở khu vực dễ quan sát, thuận tiện cho việc quản lý.
Theo đó, dòng xe Honda Lead đời 2012 trở về trước bố trí bộ phận IC đặt ở đầu xe, phía sau phần mặt nạ. Kẻ gian chỉ cần giật mạnh nắp nhựa, sau đó luồn tay vào góc bên phải (theo chiều của người lái) là có thể dễ dàng lấy đi. Việc trộm cắp này diễn ra chỉ trong vài chục giây.
Trong khi đó, IC (Integrated-Circuit) được hiểu là "chip điện tử", điều khiển toàn bộ hệ thống mạch trên xe máy, trong đó quan trọng là việc đánh lửa để giúp xe nổ máy. Kích thước nhỏ gọn nhưng IC có giá trị cao (thường là tiền triệu) và dễ tiêu thụ trên thị trường nên bộ phận này trở thành "miếng mồi ngon" cho kẻ gian.
Trên một số kênh mạng xã hội, không khó để tìm được những video ghi lại cảnh kẻ trộm chỉ tốn vài chục giây là có thể đánh cắp IC xe máy.
Để khắc phục tình trạng này, một số điểm trông giữ xe có vị trí riêng cho những chiếc xe dễ bị trộm IC như trường hợp ở trên. Bên cạnh đó, chủ phương tiện cần luôn để xe trong tầm mắt, tại những khu vực đảm bảo an ninh. Cách khác là lắp bộ đai bảo vệ (gông cho IC) hoặc di chuyển IC sang những vị trí khó lấy.
Với dòng Honda Lead, từ phiên bản 2013 trở về sau, nhà sản xuất đã thay đổi vị trí đặt IC nên kẻ gian không còn dễ lấy trộm bộ phận này. Đó cũng là lý do trong tấm bảng thông báo ở bãi gửi xe nêu trên có nhấn mạnh rằng xe Lead nhưng là "đời cũ".