Các loại hình du lịch ngày nay có sức cạnh tranh khá cao và ngày càng phát triển. Từ các loại hình du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, đi nhóm, teambuilding,…hay cả những dạng du lịch mới nổi đều khá thịnh. Thị trường ngành du lịch Việt Nam hiện nay như thế nào? Có điểm gì mới nổi bật không? Chúng ta hãy cùng Luận Văn Việt tìm hiểu kỹ hơn qua những chia sẻ được đúc kết bên dưới nhé.
1. Khái niệm loại hình du lịch là gì?
1.1. Du lịch là gì?
Khái niệm du lịch được định nghĩa theo Tổ chức du lịch Thế Giới IUOTO (International Union Of Travel Organization) như sau: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc vận hành và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ở ngoài nước họ với mục đích hòa bình, nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”.
Tại điều 04 của Luật du lịch Việt Nam 2005, thuật ngữ “du lịch” được hiểu như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Thật không khó để đưa ra nhận định rằng, du lịch là một hoạt động đặc thù mang đặc điểm của cả ngành kinh tế và văn hóa - xã hội. Du lịch còn gắn liền với trách nhiệm xã hội, các phương diện đạo đức và là một phương diện để khai thác văn hóa địa phương hiệu quả.
1.2. Loại hình du lịch là gì?
Các loại hình du lịch ở Việt Nam này nay ngày càng phát triển lẫn cả chiều sâu và chiều rộng để tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường. Các loại hình du lịch được định nghĩa là các phương thức du lịch, các cách khai thác thị hiếu, sở thích và nhu cầu của khách hàng để đáp ứng tốt nhất mong muốn của khách hàng.
Vì nhu cầu khách hàng ngày càng tăng và thay đổi theo thời gian, do đó việc phân loại giúp thỏa mãn chính xác những gì mà khách hàng mong đợi.
2. Phân loại các loại hình du lịch ở Việt Nam hiện nay
2.1. Phân loại theo mục đích chuyến đi
Các loại hình du lịch ở Việt Nam hiện nay cũng được phân loại khá rộng rãi, dưới đây là các loại hình du lịch được phân loại theo mục đích chuyến đi.
Du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch nghỉ dưỡng dần trở thành lựa chọn của nhiều nhóm khách hàng khi các tour du lịch ngày nay hầu như đáp ứng tất cả các yêu cầu của khách hàng. Khi cuộc sống ngày càng bận rộn, nhiều áp lực thì nhu cầu được nghỉ ngơi, thư giãn trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp để tái tạo năng lượng dần trở thành điều mà nhiều người mong muốn hướng đến.
Ưu điểm của loại hình du lịch này là giúp bạn tận hưởng cảm giác thư giãn, các lớp học cân bằng như các liệu pháp spa, các buổi tập yoga,… giúp bạn hoàn toàn thoải mái từ trong ra ngoài.
Một số điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng hiện nay như: Du lịch Hồ Tràm Vũng Tàu, Du lịch Bình Châu - Hồ Cốc Vũng Tàu, Du lịch thành phố biển Nha Trang, Du lịch nghỉ dưỡng tại Côn Đảo, Du lịch Mũi Né - Phan Thiết, Du lịch Phú Quốc,…
Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch kết hợp giữa điều kiện tự nhiên và văn hóa của Việt Nam. Loại hình này diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt về môi trường nhằm hưởng thụ và thưởng thức giá trị thiên nhiên mang lại. Hiện tại, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất miền Nam Việt Nam.
Các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng được nhắc đến như: Khu du lịch Cồn Phụng, Khu du lịch Xẻo Quýt, Khu du lịch Mỹ Khánh, Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp, Rừng tràm Trà sư - An Giang.
Du lịch văn hóa, lịch sử
Du lịch văn hóa lịch sử là loại hình du lịch phản ánh giá trị lịch sử nhân văn, cho bạn cái nhìn tốt đẹp về lịch sử văn hóa từng vùng miền của đất nước. Thường thì đây là những chuyến du lịch theo nhóm, kết hợp tham quan cảnh đẹp và lồng ghép vào tìm hiểu văn hóa giúp cho chuyến đi thêm phần thú vị hơn.
Có nhiều điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng hiện nay như Du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An: Cung đường di sản văn hóa đặc sắc của mảnh đất miền Trung; Du lịch Sài Gòn: Bảo tàng chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi,…
Du lịch tham quan, khám phá
Du lịch tham quan, khám phá là loại hình du lịch khá phổ biến ở nước ta bởi được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp đặc sắc thu hút mọi người tìm hiểu.
Các điểm du lịch khám phá được ghi dấu nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay như: Vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng, Sapa cung đường trekking tuyệt vời, Ninh Bình - Vẻ đẹp Tam Cốc - Bích Động,…
Tìm hiểu ngay: Tham quan du lịch là gì? Các loại hình tham quan du lịch >>>TẠI ĐÂY<<<
Du lịch Team Building
Ở Việt Nam du lịch kết hợp teambuilding sẽ được tổ chức ở các địa điểm du lịch gần biển hoặc cũng có thể là là khu du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch thu hút khá nhiều du khách hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp có xu hướng xây dựng nhiều chương trình du lịch để gắn kết mọi người trong công ty cũng như kết hợp đào tạo, truyền cảm hứng để nhân viên có động lực làm việc tốt hơn.
Đây là cách thức du lịch làm cầu nối giúp mọi người trong tập thể thấu hiểu nhau hơn, thông qua các trò chơi vận động, hoặc văn nghệ giúp tăng sự đoàn kết của nhân viên, tăng hiệu suất làm việc sau này.
2.2. Phân loại theo lãnh thổ hoạt động
Du lịch trong nước
Du lịch quốc tế (inbound) là hình thức du lịch mà khách tham quan du lịch ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài về Việt Nam để đi du lịch.
Du lịch nước ngoài
Du lịch ra nước ngoài (outbound) là một thuật ngữ phổ biến trong ngành kinh doanh dịch vụ lữ hành. Du lịch này có nghĩa là một người dân đang sống ở một quốc gia và đến quốc gia khác để du lịch, tham quan, khám phá.
2.3. Phân loại theo đặc điểm địa lý của điểm du lịch
Du lịch biển
Đây là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, các tỉnh thành phố có bãi biển dài, đẹp đầu tư phục vụ du lịch vui chơi, giải trí nghỉ dưỡng, tắm biển.
Du lịch núi
Đây là hoạt động du lịch diễn ra trong một không gian địa lý xác định, có đồi núi, địa hình và đa dạng sinh học cụ thể hoặc cộng đồng địa phương sinh sống.
Du lịch dã ngoại
Đây là hình thức du lịch bổ ích dành cho mọi lứa tuổi, thông qua việc vui chơi, giải trí ngắm cảnh đế nâng cao sức khỏe khám phá điều mới lạ.
Du lịch miệt vườn
Đây là hình thức du lịch mới nổi và được khai thác phát triển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoặc các tỉnh có khí hậu ôn đới. Việc du lịch miệt vườn đến các vườn trái cây trĩu quả, vừa được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành còn được thưởng thức trái cây và vui chơi thỏa thích.
2.4. Các cách phân loại loại hình du lịch khác
Ngoài ra còn một số cách phân loại các loại hình du lịch khác như:
- Phân loại theo phương tiện giao thông: du lịch máy bay, du lịch ô tô, du lịch xe đạp,…
- Phân loại theo phương tiện lưu trú: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, bãi cắm trại, làng du lịch,…
- Phân loại theo hình thức tổ chức du lịch: du lịch theo đoàn, du lịch gia đình, du lịch cá nhân
- Phân loại theo phương thức hợp đồng: du lịch trọn gói hay du lịch từng phần
- Phân loại theo lứa tuổi: du lịch thiếu niên, du lịch thanh niên, du lịch trung niên, du lịch người cao tuổi
- Phân loại theo thời gian du lịch: du lịch ngắn ngày hay dài ngày
3. Một số loại hình du lịch mới hiện nay
Du lịch một mình
Du lịch một mình thoạt đầu nghe có vẻ hơi tự kỷ, nhưng đây là một hình thức du lịch mà nhiều bạn lựa chọn. Vì đi một mình bạn sẽ được những ưu điểm như: Tự do quyết định chuyến đi, trải nghiệm những điều thú vị mà mình mong muốn, có những tận hưởng cá nhân, có thời gian suy ngẫm, thưởng thức những điều mới mẻ một cách thoải mái nhất,…
Khi nhịp sống càng hối hả và bận rộn, du lịch một mình trở nên thịnh hơn, nhất là ở các bạn trẻ yêu thích tự do và khám phá.
Du lịch xanh
Du lịch xanh dần trở thành xu hướng khi vấn đề môi trường ngày càng trở thành điều được quan tâm hàng đầu. Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành.
Du lịch xanh ở Việt Nam được phát triển theo hướng phát triển bền vững, do đó có nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch có sản phẩm thân thiện môi trường, hàng hóa nhãn sinh thái nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng.
Việt Nam sở hữu nhiều điểm đến du lịch xanh, du lịch cộng đồng hấp dẫn tại miền núi phía Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lào Cai; ở khu vực miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tìm hiểu ngay Du lịch cộng đồng là gì? Các hình thức du lịch cộng đồng
Du lịch bằng xe tự lái
Loại hình du lịch bằng xe tự lái vừa mang đến sự tự do thoải mái, chủ động thời gian vừa giúp tránh khỏi những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ phương tiện công cộng. Hình thức này còn được gọi là phượt trong giới trẻ, một nhóm thành viên đi xe máy (có thể ô tô) thoải mái đặt chân đến nơi nào muốn đến.
Các hoạt động đi kèm thường là cắm trại, hoạt động tập thể, đạp xe hoặc trekking, thăm các vườn quốc gia như Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau,…
Du lịch nông thôn
Không đơn giản là tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn khi tham gia du lịch nông thôn, du khách còn có cơ hội tìm hiểu những tầng sâu văn hóa sinh hoạt của người dân địa phương, hiểu được quy trình sản xuất để cho ra đời một sản phẩm. Hình thức này vừa góp phần “làm mới” hoạt động du lịch, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hình thức du lịch nông thôn là những giây phút mà du khách được nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia vào hoạt động sinh hoạt, tìm hiểu văn hóa địa phương. Ví dụ tìm hiểu quy trình sản xuất sản phẩm truyền thống như đan len, đan cót, làm gốm, trồng trọt,…
Với nền văn minh lúa nước, hệ thống làng xã và các thiết chế văn hóa độc đáo, cách làm này đang là hướng mở cho các đơn vị kinh doanh du lịch hiện nay.
Một số ví dụ điển hình cho loại hình du lịch này là: du lịch làng nghề Bát Tràng bằng xe trâu, du khách tập làm gốm tại làng nghề Bát Tràng, tập làm nông dân tại Hội An,…
Với những chia sẻ về các loại hình du lịch ở trên ở trên, hy vọng rằng Luận Văn Việt đã giúp bạn có thêm thật nhiều kiến thức và góc nhìn về du lịch hiện nay ở Việt Nam. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, bạn vui lòng liên hệ với Dịch vụ luận văn Luận Văn Việt qua số điện thoại: 0915 686 999 hoặc qua email: luanvanviet.group@gmail.com. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại trong những bài viết sau!