Những bộ phim bị cấm chiếu vì nhạy cảm

 

(iHay) Không ít tác phẩm điện ảnh đã phải ngậm ngùi “dừng cuộc chơi” tại một số thị trường tiềm năng dù đã sẵn sàng ra rạp.

>> Quảng cáo điện thoại mỏng nhất thế giới bị cấm chiếu vì quá sexy
>> Hit của JYJ, HyunA bị đài truyền hình cấm chiếu

 

Những bộ phim bị cấm chiếu khi ra rạp

50 sắc thái

Là phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết đình đám cùng tên của nhà văn E.L.James, 50 sắc thái kể lại câu chuyện tình lãng mạn của cô sinh viên trẻ Anastasia Steele mới bước vào đời bị thu hút bởi vẻ đẹp trai và sự thành đạt của chàng tỉ phú Christian Grey đứng đầu tập đoàn kinh doanh đa quốc gia nhưng có cuộc sống bí ẩn. Câu chuyện xoay quanh đời sống tình dục khắc khoải, hỗn loạn của cặp đôi vì vị tỉ phú trẻ mắc chứng cuồng dâm. Bộ phim được nhận xét là “sex nhất thập niên” với 1/5 thời lượng phim dành cho cảnh “nóng” và khỏa thân.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, bộ phim lại bị chỉ trích mạnh mẽ bởi “bạo dâm, lãng mạn hóa sự lạm dụng và tán dương kẻ đi lạm dụng”. Sau khi Malaysia đưa ra quyết định cấm chiếu 50 sắc thái, ngày 4.3 vừa qua, Hội đồng kiểm duyệt phim của một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Kenya… cũng đưa ra lệnh cấm tương tự.

Theo AFP, dù một số cảnh nóng, khỏa thân trong phim đã được nhà sản xuất cắt song câu chuyện tình nhuốm đầy màu sắc dục vọng của cô nữ sinh Anastasia Steele vẫn không thể xuất hiện trên màn ảnh rộng nhiều quốc gia.

Bụi đời Gangnam

Đầu năm 2015, nhiều fan đã thất vọng khi bộ phim Bụi đời Gangnam (tên quốc tế: Gangnam 1970) với sự góp mặt của mỹ nam xứ Hàn Lee Min Hobị hoãn chiếu vô thời hạn tại Việt Nam do không được duyệt bởi Cục điện ảnh. Theo dự kiến, bộ phim được trình rạp vào ngày 30.1.2015 nhưng ngày 26.1, bộ phim chính thức bị hoãn.

Trước đó, ngày 20.1, bộ phim đã có buổi công chiếu ra mắt báo chí và truyền thông Hàn Quốc. Đây là bộ phim mang tính chất bạo lực về đề tài đường phố, lấy bối cảnh những năm 1970, thời điểm thị trường bất động sản của Gangnam bắt đầu bùng nổ. Hai nhân vật chính của phim do Lee Min Ho và Kim Rae Won thủ vai khi lớn lên đã theo băng xã hội đen, luôn dùng nắm đấm để tranh giành địa bàn hoạt động.

The Evil Dead

Bộ phim hài kinh dị The Evil Dead (1981) là câu chuyện kể về 5 người bạn cùng du lịch tới một căn nhà gỗ trong rừng, nơi họ đã tìm thấy một cuốn sách liên quan đến thần chết. Việc vô tình gọi tên những âm hồn có trong cuốn sách đã biến họ thành xác sống khiến nhiều người rùng rợn.

Tuy nhiên, khi bộ phim sẵn sàng trình rạp thì hàng loạt quốc gia như Anh, Malaysia, Thụy Điển, Singapore, Iceland…ngay lập tức ban lệnh cấm. Lý do mà Cục kiểm duyệt phim các nước này đưa ra là vì nội dụng bạo lực, dơ bẩn…

Không dừng lại ở đó, năm 2013, phiên bản của The Evil Dead tiếp tục bị “cạch mặt’ bởi chính phủ Singapore. Ngoài ra, trailer của The Evil Dead còn được coi là rùng rợn nhất năm đó.

District 9

District 9 (2009) là bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn Neill Blomkamp với nội dung bắt nguồn từ lịch sử của chế độ phân biệt chủng tộc và những cuộc bạo động xã hội chống lại dân nhập cư tại Nam Phi. Bộ phim ngay sau đó đã được công chiếu rộng rãi trên khắp thế giới.

Thành công của bộ phim không thể không kể đến việc được đề cử vào danh sách Phim hay nhất Oscar năm 2009. Tuy nhiên, District 9 đã để lại “vết đen” khi bị cấm chiếu ở Nigeria. Đại diện của Bộ Văn hóa Thông tin nước này cho biết bởi “phim làm xấu hình ảnh của người dân Nigeria” nên không thể trình chiếu. Nhiều cư dân mạng Facebook nước này còn lập fanpage với tên “District 9 xúc phạm người Nigeria”.

Life of Brian

Xuyên suốt bộ phim Life of Brian (1979) kể về anh chàng Brian được sinh ra vào ngày Giáng sinh và tin mình là người được Thượng đế gửi xuống. Tuy nhiên, vấn đề của Brian là làm thể nào để thuyết phục mọi người tin vào điều này.

Life of Brain từng được bình chọn là phim Anh hay nhất mọi thời đại song với nhiều nước như Na Uy, Singapore, Ireland… thì đây là bộ phim gây tranh cãi về vấn đề tín ngưỡng nên ngay lập tức bị cấm chiếu. Đây tiếp tục là một bài học cho các nhà làm phim khi xây dựng những nội dung liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.

The Hunger Games

Tháng 3.2012, khi khán giả trên khắp thế giới đang dõi theo bộ phim The Hunger Games, tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Suzanne Collins thì người xem tại Việt Nam đành ngậm ngùi vì phim không qua được khâu kiểm duyệt. Hội đồng duyệt phim quốc gia đưa ra lý do về quyết định không cho chiếu The Hunger Games là bởi các cuộc chiến sinh tử giữa các thanh thiếu niên trong phim “quá bạo lực và tàn nhẫn”.

Trước đó, phim The Hunger Games với sự tham gia của nữ diễn viên chính Jennifer Lawrence đã được định ngày khởi chiếu 30.3.2012 tại Việt Nam, sau khu vực Bắc Mỹ một tuần. Chỉ đến năm 2014, khán giả Việt Nam được được thưởng thức The Hunger Games - Phần 1: Húng Nhại.

Last Tango In Paris

Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn người Ý Bernado Bertolucci là câu chuyện của người đàn ông góa vợ đã tìm được sự thỏa mãn về dục vọng từ một cô gái mà ông không hề quen biết. Những cảnh quay nóng bóng trong Last Tango In Paris đã khiến nhiều khán giả “đỏ mặt”.


Tuy nhiên, bộ phim này có thể xem là gây nhiều tranh cãi nhất khi chỉ vừa ra rạp được 6 ngày thì bất ngờ bị cấm cửa ở nhiều nước như Tây Ban Nha, Canada, New Zealand… Lý do được đưa ra về lệnh cấm là bởi “phim quá khiêu dâm”. Tuy nhiên, thành phố Paris, Pháp lại không hề cấm tác phẩm điện ảnh đầy cảnh “nóng” này.

Pink Flamingos

Nói tới những bộ phim bị cấm chiếu vì… cảnh nóng không thể không nhắc tới Pink Flamingos (1972), một bộ phim hài kể về nữ trùm xã hội đen tìm cách chống lại cặp vợ chồng có âm mưu hạ nhục cô.

Tuy nhiên, sẽ không có gì tranh cãi nếu như Pink Flamingos không có những cảnh quay sex như thật cũng như cảnh bạo hành động vật một cách dâm dục. Chính bởi lý do này mà các nước Úc, Na Uy... đã ngay lập tức ban lệnh cấm khi phim chuẩn bị chiếu màn ảnh rộng.

The Outlaw

Bộ phim nổi tiếng The Outlaw (1943) là một trong những bộ phim đầu tiên có nhiều cảnh “nóng” gây nhiều tranh cãi ở Hollywood. Phim do nữ diễn viên Jane Russell thủ vai chính, khiến người xem đỏ mặt với cận cảnh bộ ngực đầy quyến rũ, những cảnh mây mưa bị cho là “dung tục”.

Bộ phim từng bị cấm chiếu tại một số bang ở Mỹ trong suốt 3 năm liền. Chỉ đến khi những đoạn “nhạy cảm” trong phim được cắt bỏ thì Hội đồng duyệt phim Hollywood mới chấp thuận thông qua.

I Spit on Your Grave

I Spit on Your Grave (1978) là bộ phim kinh dị của điện ảnh Mỹ và từng bị cấm chiếu tại một số nước như Iceland, Na Uy… Phim kể về một nữ nhà văn bị nhóm thanh niên cưỡng hiếp dã man và bỏ mặc trong rừng sâu, luôn tìm cách trả thù những kẻ đã làm hại mình.

Ngay sau khi chiếu rạp, bộ phim đã nhận được hàng loạt phản hồi trái chiếu từ giới chuyên môn cũng như khán giả. Đặc biệt, nhiều người cho rằng cảnh nữ nhà văn bị cưỡng hiếp là quá vô lương tâm, khó có thể chấp nhận được khi lên màn ảnh lớn.

The Tin Drum

Là bộ phim đoạt giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1980, được vinh danh với giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes… song bộ phim The Tin Drum (1979) của đạo diễn người Đức Volker Schlöndorff từng khiến nhiều người không hài lòng.

Lý do mà bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Gunter Grass bị cấm chiếu ở Canada và Mỹ là bởi cảnh quan hệ tình dục giữa cậu bé 11 tuổi và cô bạn gái 16 tuổi không phù hợp. Hội đồng kiểm duyệt phim Canada còn lên tiếng rằng “bộ phim có dấu hiệu lạm dụng tình dục trẻ em”.

Avatar

Ngay cả bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay cũng không thoát khỏi việc bị khước từ. Năm 2009, khán giả trên khắp thế giới được thưởng thức tác phẩm điện ảnh bom tấn của đạo diễn lừng danh James Cameron - Avatar. Tuy nhiên, bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại này lại bị cấm chiếu ở Trung Quốc bởi lý do “nhiều tình tiết bạo động có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý và cách hành xử của người dân”. Dù vậy, bộ phim này vẫn được đề cử tại Oscar 2010 ở hạng mục Phim hay nhất.

 

Bụi đời Chợ Lớn

Tại Việt Nam, bộ phim Bụi đời Chợ Lớn cũng không thể ra rạp dù có sửa chữa, cắt bỏ một số cảnh và quay bổ sung thêm. Thông tin này không chỉ gây bất ngờ mà còn khiến nhiều khán giả tỏ ra vô cùng thất vọng.

Bụi đời Chợ Lớn hồi đầu tháng 4.2013 đã từng bị Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện của Cục Điện ảnh kết luận: “Phim vi phạm Luật Điện ảnh; phim có cảnh các băng nhóm xã hội đen ngang nhiên dàn trận thanh toán nhau đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên nhiều đường phố, trong các ngõ hẻm ở TP.HCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ một lực lượng xã hội nào vì điều này không đúng với bản chất cuộc sống của thành phố…” và yêu cầu nhà sản xuất (hãng phim Chánh Phương và Galaxy) phải sửa tổng thể bộ phim.

Đạo diễn và nhà sản xuất cũng đã gửi bản phim sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn chưa đạt được sự thay đổi “mấu chốt” tổng thể bộ phim theo như cách nhìn nhận của hội đồng duyệt. Vì thế phim đã nhận được ý kiến thống nhất từ các cơ quan chức năng là không cấp phép phổ biến cho phim ra rạp.

Tuệ Minh

>> Cấm chiếu' tại Đêm hội chân dài, Khắc Tiệp tung trọn clip Ngọc Trinh mặc bikini trên đất Thái
>> Vẫn tranh cãi vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu
>> Nhung Kate trải lòng vụ Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu

 
 

Link nội dung: https://marketingalpha.vn/nhng-b-phim-b-cm-chiu-v-nhy-cm-bo-thanh-nin-a31037.html