Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 14]

Nhà sáng lập bi kịch cổ điển Pháp Corneille Pierre (trái) và nhà viết kịch vui Courteline Georges. Nhà sáng lập bi kịch cổ điển Pháp Corneille Pierre (trái) và nhà viết kịch vui Courteline Georges.

Corneille Pierre (1606-1684) là nhà sáng lập bi kịch cổ điển Pháp. Tác phẩm chính: Le cid (1636), Horace (1640), Cinna (1641), Polyeucte (1642), Nicomède (1651), Người nói dối (1643, hài kịch).

Le cid là vở bi hài kịch mang vinh quang lại cho Corneille, khiến ông được coi là người cha của bi kịch cổ điển Pháp. Câu chuyện dựa vào một vở kịch Tây Ban Nha đề cao nghị lực làm tròn bổn phận, thắng dục vọng. Rodrigue, con Don Diègue, yêu Chimène con gái Don Gormas.

Hai gia đình quý tộc đồng ý sẽ tổ chức hôn nhân. Nhưng một cuộc xung đột nổ ra giữa hai ông bố: bố Chimène tát bố Rodrigue vì ghen tức bố Rodrigue được nhà vua giao cho dạy hoàng tử. Bố Rodrigue già quá đành trao cho con nghĩa vụ trả thù nhà. Rodrigue quyết tâm theo tiếng gọi của nhiệm vụ. Chàng đấu gươm giết chết bố Chimène.

Chàng đến tâm sự với Chimène, khẳng định mình vẫn yêu Chimène, nhưng không hối hận làm nhiệm vụ. Chimène tán thành Rodrigue, nhưng cũng nói rõ là sẽ xin kết án chàng. Bỗng quân Hồi giáo định đánh úp thành Seville. Rodrigue được cử đi phản công. Chàng thắng trận trở về. Chimène vẫn đòi phải xử Rodrigue.

Do Rodrigue lập công, Vua cho phép Chimène chọn một hiệp sĩ thay mình đấu gươm với Rodrigue để tùy Chúa xử. Don Sanche được chấp nhận đấu với Rodrigue. Rodrigue đến tìm Chimène và báo là chàng sẽ cho đối thủ và tình địch giết mình để làm hài lòng Chimène.

Chimène đề nghị chàng phải đánh thắng, như vậy Chimène lại thổ lộ mình vẫn yêu Rodrigue. Rodrigue thắng. Nhà vua cho Chimène khóc than một năm rồi sẽ lấy Rodrigue.

Horace là bi kịch cổ điển dựa vào lịch sử cổ La Mã, đề cao ý thức danh dự, miêu tả nhiều tính cách khác nhau.

Hai thành phố Albe và Rome đang có chiến tranh. Nhưng vì hai thành phố có nhiều gia đình dâu gia với nhau, một biện pháp được đề ra để chấm dứt đổ máu: mỗi bên chọn ba võ sĩ cho đấu nhau, võ sĩ bên nào thắng thì bên ấy thắng. La Mã chọn ba anh em nhà Horace. Albe chọn ba anh em nhà Curiace. Một võ sĩ Horace đã lấy Sabine (Xa-bi-nơ) thuộc dòng họ Curiace; một võ sĩ lại đính hôn với Camille thuộc dòng họ Horace.

Nhưng các võ sĩ đều cương quyết làm tròn nhiệm vụ. Cụ Horace ở nhà theo dõi cuộc đấu này. Ngay hiệp đầu, hai con cụ đã chết, con út chạy trốn. Cụ nguyền rủa tên hèn hạ, quyết giết hắn khi hắn về. Nhưng anh ta đã dùng mưu, giả chạy trốn, cuối cùng phản công và đã mang thắng lợi về cho La Mã.

Anh trở về mang theo xác ba anh em Curiace. Anh gặp em gái Camille, cô này nguyền rủa La Mã, khiến anh nổi giận giết em. Vì tội giết người, anh bị đem xử. Sabine chết thay cho chồng; cụ Horace bảo vệ con. Nhà vua tha tội cho cụ.

Polyeucte là bi kịch cổ điển dựa vào một tác phẩm sử học tiếng Latin, đề cao đức tin của một vị Thánh đạo Kitô tử vì đạo.

Ở La Mã, một hiệp sĩ là Sévère xin cưới Pauline, nhưng bố nàng là Félix không đồng ý vì Sévère không có tương lai, mặc dù Pauline cũng yêu Sévère, Sévère bỏ đi. Félix được cử làm tổng đốc xứ Arménie. Félix gả con gái cho một quý tộc địa phương là Polyeucte. Sévère cầm quân thắng trận, trở thành thân cận của Hoàng đế.

Chàng được cử đến Arménie làm lễ tế thần. Félix cho là chàng có ý đến trả thù, nên xin con gái đến gặp chàng. Pauline đến và thú thật là vẫn yêu Sévère, nhưng nay đã có chồng, nên từ biệt chàng. Trong cuộc tế thần, Polyeucte vừa xin theo đạo Kitô, hăng hái đập phá các tượng thần dị giáo và bị bắt. Vợ và bố vợ Polyeucte cố van nài Polyeucte bỏ đạo mới.

Polyeucte không chịu, cho mời Sévère đến nhà tù và nhường vợ lại cho Sévère. Pauline có thể lấy được người tình cũ, nhưng nàng lại nài Sévère tha tội cho chồng, vì nàng trọng nghĩa vợ chồng. Félix không chịu tha vì tưởng Sévère lập mưu hại mình. Polyeucte bị hành hình. Cảm kích, Pauline cùng bố theo đạo Kitô. Sévère hứa sẽ xin Hoàng đế ngừng hành hạ tín đồ đạo Kitô.

***

Courteline Georges (1858-1929) là nhà viết kịch vui (chỉ trích tòa án, quân đội, bộ máy quan liêu). Tác phẩm chính: Một khách hàng nghiêm túc (1896), Những cái vui của đội kỵ binh (1886), Boubouroche (1893), Những ngài cạo giấy (1893).

Những ngài cạo giấy là vở hài kịch châm biếm tính lười nhác của công chức. Cốt truyện hầu như không có; tác giả cốt trình bày một số biếm họa. Lahrier, một công chức trẻ tuổi, mỗi tuần xin phép nghỉ một ngày để đi đưa ma một người trong họ, sự thực là để phè phỡn với nhân tình. Một hôm, anh không xin được phép, cô ta đến tận Bộ tìm anh.

Dĩ nhiên là ông trưởng phòng làm um lên. Lão Soupe cũng là một tính cách công chức độc đáo; mỗi lần đi ngoài là lão phải báo cáo đồng sự. Còn tay Letondu thì chủ trương phục hồi tinh thần nhân bản và thượng võ cổ Hy Lạp, nên y phá phách đồ đạc và loạn trí đến mức giết ông “sếp” của mình.

Ông Saonthomme thì lại làm việc ngày đêm để mong cấp trên để ý thưởng cho mề đay. Trưởng phòng cố gắng bắt làm việc mà không ăn thua gì. Còn thủ trưởng thì lại cố giữ truyền thống công chức.

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 13]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 12]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Link nội dung: https://marketingalpha.vn/tac-pham-nao-sau-day-duoc-viet-boi-nha-bien-kich-nguoi-phap-a38244.html