Cứ đến 0h ngày 25/12 hằng năm, ông già Noel lại xuất hành trên cỗ xe tuần lộc đi phát quà Giáng sinh cho trẻ nhỏ.
Câu trả lời là 9, một con số đẹp phải không? Câu chuyện về đàn tuần lộc kéo cỗ xe phát quà Giáng sinh của ông già Noel có nguồn gốc từ bài thơ “The Night Before Christmas” (Đêm trước Giáng sinh) của thi sĩ Clement C. Moore, sáng tác năm 1823. Nhà thơ mô tả, ban đầu cỗ xe của Santa Claus có 8 con tuần lộc, được xếp thành 2 hàng, mỗi hàng 4 con.
Trải qua nhiều mùa Giáng sinh, đàn tuần lộc kéo chiếc xe nặng trĩu những quà của ông già Noel bộc lộ nhiều nhược điểm, cả cỗ xe cũng vậy. Những lúc đi qua vùng đất tối tăm hoặc có bão tuyết, đàn tuần lộc có vẻ dễ mất phương hướng và rất khó tìm đường.
Thế rồi vào một ngày bão tuyết, ông già Noel bắt gặp một cô tuần lộc đặc biệt có cái mũi đỏ phát sáng, liền thu nạp vào đoàn phát quà của mình. Chiếc mũi này giúp soi đường cho ông và cả đàn tuần lộc trong những đêm tối trời và bão tuyết, đảm bảo phát quà đúng hẹn cho mọi trẻ em.
Từ đó, đàn tuần lộc kéo xe của ông già Noel có 9 thành viên.
Trong bài thơ “Đêm trước Giáng sinh”, thi sĩ Clement C. Moore cũng đặt tên cho 9 con tuần lộc và sau này, mọi người mặc định đàn tuần lộc này có tên như vậy.
Theo đó, 8 con tuần lộc ban đầu có tên là Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid, Donder và Blitzen. Trong đó, Donder và Blitzen có nghĩa là sấm chớp và tia sét.
Còn tuần lộc có cái mũi đỏ phát sáng có tên là Rudolph. Vị trí của nó luôn là đầu xe.
Vì sao tuần lộc được chọn?
Tuần lộc sống chủ yếu ở Scandinavia và Siberia. Con tuần lộc hoang dã trưởng thành có thể cao khoảng 1 mét, năng trung bình 170 kg đối với con đực và 90 kg đối với con cái. Người dân Bắc Cực thuần hóa và nuôi tuần lộc để lấy thịt, sữa, da… và kéo xe trượt tuyết.
Các thống kê khoa học cho thấy, mỗi năm tuần lộc di chuyển khoảng 5.000 km. Nó được xem là loài động vật có vú trên cạn di chuyển nhiều nhất. Động vật có vú “vượt mặt” nó về điều này chỉ có duy nhất một loài sống dưới nước - cá voi lưng gù, có thể bơi 8.000 km mỗi năm.
Tuần lộc chạy rất nhanh, dễ dàng đạt tốc độ 80 km/h. Vận tốc tối đa mà nó có thể đạt đến khi bị truy đuổi là 100 km/h. Nó cũng rất khỏe và chịu được tải trọng khá lớn. Loài này lại có sức đề kháng rất tốt. Bộ lông mượt, dày giúp chúng giữ ấm hoàn hảo cho cơ thể và hệ thống tuần hoàn.
Với khả năng đó, tuần lộc là phương tiện hữu hiệu để giúp người Bắc Cực di chuyển và chuyên chở hàng hóa ở vùng băng tuyết. Chúng thường được dùng để kéo xe trượt tuyết.
Một ưu điểm đặc biệt nữa của tuần lộc là sự im lặng của chúng. Tuần lộc đực hầu như chỉ kêu trong mùa giao phối (mùa thu), còn con cái thường chỉ kêu khi sinh sản (mùa hè). Do “biết giữ mồm giữ miệng”, tuần lộc rất phù hợp cho nhu cầu di chuyển lặng lẽ vào ban đêm.
Với tất cả những điểm tốt đẹp trên, không có gì ngạc nhiên khi tuần lộc lại được ông già Noel - nhân vật cư trú ở Bắc Cực - chọn làm lực lượng kéo cỗ xe phát quà Giáng sinh của mình.
Tất cả là tuần lộc cái
Cả 9 con tuần lộc kéo xe quà Giáng sinh đều là giống cái. Vì sao thế? Dựa vào hiểu biết về đặc điểm của loài tuần lộc, nhiều chuyên gia đoán rằng, có lẽ tuần lộc cái được chọn vì chúng không bị rụng sừng. Trong khi đó, tuần lộc đực bị rụng sừng vào cuối mùa giao phối, tức mùa đông.
Nếu cỗ xe Noel được kéo bởi những chú tuần lộc không có sừng thì độ “hoành tráng”, đẹp đẽ chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều phải không? Nhất là trẻ em nếu nhìn thấy những chú tuần lộc không sừng thì hẳn sẽ rất thất vọng.
Rõ ràng trên phim ảnh, tranh vẽ về ông già Noel, đàn tuần lộc kéo cỗ xe phát quà Giáng sinh không con nào thiếu sừng cả, dù chúng phải làm nhiệm vụ vào cuối tháng 12, khi mùa giao phối đã qua. Thế nên đích thị chúng là tuần lộc cái rồi.
Link nội dung: https://marketingalpha.vn/xe-tuan-loc-cua-ong-gia-noel-a44033.html