Nghiên Cứu Lịch Sử

Ngô Trần Trung Nghĩa dịch

Lan Lăng Vương Cao trường Cung (541 - 573) tên thật là Cao Túc, một tên khác là Cao Hiếu Quán, tự Trường Cung. Ông là hoàng thân và danh tướng của Bắc Tề, đồng thời cũng là một mỹ nam nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Tư trị thông giám, Trần kỷ, quyển 169

Thế Tổ Văn hoàng đế, niên hiệu Thiên Gia thứ năm (Giáp Thân, năm 564)

Tháng mười hai, Hành đài đạo Dự Châu, Thứ sử Dự Châu là Thái Nguyên Vương Cao Sĩ Lương, Thứ sử Vĩnh Châu Tiêu Thế Di củng dâng thành hàng Bắc Chu. Quyền Cảnh Tuyên sai lập phủ, để Quách Ngạn thủ Dự Châu, Tạ Triệt thủ Vĩnh Châu, rồi đưa bọn Sĩ Lương, Thế Di và các sĩ tốt đầu hàng về Trường An.

Người Chu xây núi đất, đào địa đạo để công hạ Lạc Dương, nhưng ba tuần chưa lấy được. Tấn Công Vũ Văn Hộ sai các tướng sĩ cắt đứt đường Hà Dương, chặn lối cứu binh của quân Tề, sau đó đồng loạt đánh Lạc Dương. Các tướng cho rằng quân Tề không dám xuất thành, nên chỉ phái người dò xét mà thôi.

Tề sai Lan Lăng Vương (Cao) Trường Cung, Đại Tướng quân Hộc Luật Quang cứu Lạc Dương, sợ quân Chu mạnh, chưa dám tiến. Tề chủ triệu Thứ sử Tịnh Châu Đoàn Thiều, hỏi rằng: “Lạc Dương nguy cấp, nay phái (Lan Lăng) Vương đi ứng cứu. Đột Quyết ở phía Bắc, cũng cần phòng ngự, làm sao đây?”. Đáp: “Bắc Lỗ xâm phạm biên giới, chỉ như vết loét trên da. Giờ Tây Lăng bức bách, đó là bệnh trong bụng dạ, xin phụng chiếu xuống Nam.” Tề chủ nói: “Trẫm cũng có ý như vậy.” Bèn sai Thiều dẫn một ngàn tinh kỵ xuất phát từ Tấn Dương. Ngày Đinh Tỵ, Tề chủ từ Tấn Dương tiến tới Lạc Dương.

Ngày Kỷ Mùi, Thái tể nước Tề là Bình Nguyên Tĩnh Dực Vương Cao Yêm chết.

Đoàn Thiều xuất phát từ Tấn Dương, năm ngày thì vượt Hoàng Hà, gặp sương mù âm u nhiều hôm, ngày Nhâm Tuất, Thiều đến Lạc Dương, dẫn ba trăm kỵ binh dưới trướng, cùng chư tướng lên Mang Bản, quan sát hình thế quân Chu. Đến Thái Hòa Cốc thì gặp quân Chu, Thiều liền truyền cáo xuống các doanh, triệu tập kỵ mã, dàn trận chờ địch. Thiều làm Tả quân, Lan Lăng Vương Trường Cung làm Trung quân, Hộc Luật Quang làm Hữu quân. Người Chu không lường trước việc đó, ai nấy sợ hãi. Thiều nói với người Chu từ xa: “Vũ Văn Hộ ngươi vừa đón mẫu thân, đã vội làm giặc là thế nào?”. Người Chu nói: “Trời sai ta tới, có gì mà hỏi?”. Thiều nói: “Đạo trời thưởng thiện phạt ác, chính là sai các ngươi đi đón cái chết đây!”.

Tượng Lan Lăng Vương ở huyện Từ, Hàm Đan, Hà Bắc

Người Chu cho bộ binh đi trước, lên núi nghênh chiến. Đoàn Thiều vừa đánh vừa lui để dụ, đợi bên kia sức kiệt, liền xuống ngựa tiến công. Quân Chu đại bại, tan tác trong phút chốc, lao xuống khe và thung lũng chết rất nhiều.

Lan Lăng Vương Trường Cung dẫn năm trăm kỵ binh đột nhập quân Chu, đến dưới thành Kim Dong. Người trên thành không nhận ra, Trường Cung bỏ mũ lộ mặt, họ sai cung thủ ứng cứu. Quân Chu dưới thành cũng giải vây trốn đi, bỏ cả màn trướng, từ Mang Sơn đến Cốc Thủy, trong ba mươi dặm, khắp sông đầm đầy khí giới, quân tư. Chỉ có Tề Công (Vũ Văn) Hiến, Đạt Hề Vũ và Dung Trung Công Vương Hùng ở phía sau, dẫn quân đánh trả.

Vương Hùng xông ngựa vào trận của Hộc Luật Quang, Quang bỏ chạy, Hùng đuổi theo. Tả hữu của Quang đều tan cả, chỉ còn một nô bộc và một cung thủ. Hùng cầm giáo cách Quang chưa tới một trượng, nói với Quang: “Ta tiếc cho ngươi nên không giết, phải bắt sống ngươi tới gặp Thiên tử.” Quang bắn trúng trán Hùng, Hùng ôm ngựa chạy, về đến doanh thì chết. Trong quân càng sợ hãi.

Tề Công (Vũ Văn) Hiến vỗ về, động viên, lòng quân mới yên được phần nào. Đến đêm thì thu quân, đợi trời sáng tái chiến. Đạt Hề Vũ nói: “Quân Lạc Dương tan cả, lòng người khiếp đảm, nếu không nhân lúc ban đêm lui về sớm, đợi trời sáng muốn rút cũng không được đâu. Vũ ở trong quân đã lâu, biết rõ hình thế, công còn trẻ chưa trải qua chuyện này, há có thể đưa bao nhiêu sĩ tốt ở đây vào miệng hổ hay sao?”. Bèn trở về. Quyền Cảnh Tuyên cũng bỏ Dự Châu mà rút lui.

Ngày Đinh Mão, Tề chủ tới Lạc Dương. Ngày Kỷ Tỵ, cho Đoàn Thiều làm Thái tể, Hộc Luật Quang làm Thái úy, Lan Lăng Vương Trường Cung làm Thượng thư lệnh.

Tư trị thông giám, Trần kỷ, quyển 170

Lâm Hải Vương, niên hiệu Thái Kiến thứ ba (Tân Mão, năm 571)

Tấn Công (Vũ Văn) Hộ của Bắc Chu Trung ngoại phủ Tham quân Quách Vinh tu sửa thành trì ở phía Nam thành Diêu Tương, phía Tây thành Định Dương. Đoàn Thiều của Bắc Tề dẫn quân tập kích quân Chu, đánh bại họ. Tháng Sáu, Thiều vây thành Định Dương, Thứ sử Phần Châu của Chu là Dương Phu cố thủ không ra. Thiều càng đánh dữ dội, đồ sát cả ngoại thành. Thiều lâm bệnh, nói với Lan Lăng Vương (Cao) Trường Cung rằng: “Thành này ba mặt là hào sâu, không có đường đi, chỉ tính được một đường phía Đông Nam, giặc tất xông ra từ đó. Nên chọn lấy tinh binh phòng thủ, vậy mới bắt được.” Trường Cung bèn sai hơn ngàn tráng sĩ mai phục ở khe Đông Nam. Trong thành hết lương, Tề Công (Vũ Văn) Hiến dồn binh cứu viện, nhưng sợ Thiều, không dám tiến. Phu dẫn quân đang có thừa đêm tối xông ra, bị phục binh bắt được, cầm tù toàn bộ.

CÁI CHẾT CỦA LAN LĂNG VƯƠNG

Tư trị thông giám, Trần kỷ, quyển 171

Cao Tông Tuyên hoàng đế, niên hiệu Thái Kiến thứ năm (Quý Tỵ, năm 573)

Tháng năm

Lan Lăng Vũ Vương nước Tề, dung mạo đẹp đẽ nhưng dũng mãnh, do thắng lớn ở Mang Sơn, uy danh vang đội, võ sĩ ca hát, thành khúc “Lan Lăng Vương nhập trận”, Tề chủ nghi kỵ ông. Khi thay Đoàn Thiệu đốc suất binh mã đánh Định Dương, vơ vét tiền tài, Úy Tương Nguyện bên cạnh hỏi: “Vương nhận sự gửi gắm của triều đình, sao lại như vậy?”. Trường Cung chưa đáp. Tương Nguyện nói: “Há không phải vì Mang Sơn thắng lớn, muốn tự bôi xấu mình chăng?”. Trường Cung nói: “Đúng.” Tương Nguyện nói: “Nếu triều đình nghi kỵ vương, ắt lấy việc này hành tội, vậy tránh họa mà họa tới nhanh hơn.” Trường Cung khóc, quỳ trước gối hỏi kế. Tương Nguyện nói: “Vương trước đã có công, nay lại thắng trận, uy danh quá cao, nên cáo bệnh ở nhà, đừng tham dự triều chính nữa!”. Trường Cung nghe theo, nhưng chưa thể thoái lui. Khi Giang Hoài dùng binh, lại sợ cho làm tướng, than rằng: “Năm ngoái mặt ta bị sưng thũng, sao nay chẳng chịu tái phát?”, tự nói mình có bệnh không chữa được. Tề chủ sai sứ dùng thuốc độc giết ông.

Link nội dung: https://marketingalpha.vn/cao-truong-cung-a48208.html