Vào những ngày cuối năm, nhiều người Việt Nam - nhất là những người lớn tuổi, vẫn giữ thói quen tắm nước cây mùi già.
Theo ông bà kể lại, việc tắm lá mùi già vào cuối năm là để xua tan những chuyện không vui trong suốt một năm qua và để đón những niềm vui, điều may mắn trong Năm mới. Nhiều người nói tục này còn có tên gọi là “Tục tẩy trần đêm tất niên."
Vậy phong tục truyền thống này có ý nghĩa và lợi ích gì về mặt sức khỏe, tinh thần?
Mùi già là cây rau mùi (các tỉnh miền Nam gọi là cây ngò rí) để cho già đi, cây bắt đầu trổ hoa trắng li ti và cao ngồng. Loại cây này khi về già có mùi hương thoang thoảng đặc trưng dịu nhẹ được dùng với nhiều công dụng khác nhau.
Lợi ích về mặt sức khỏe: Là loại cây gia vị rất quen thuộc đối với người Việt trong các bữa ăn, giúp cho món ăn trở nên màu sắc, ngon hơn. Chứa nguồn vitamin A, vitamin C, vitamin K, vitamin B6 và các khoáng chất quan trọng cho cơ thể, cây mùi còn là phương thuốc chữa bệnh.
Nước đun cây mùi già với chứa một lượng nhỏ tinh dầu mùi già cấu tạo có tác dụng diệt khuẩn, làm thông thoáng hệ hô hấp và tăng cường tuần hoàn. Vì vậy nên khi tắm nước đun cây mùi già sẽ có cảm giác dễ chịu, khoan khoái, khỏe mạnh hơn.
Lợi ích về mặt tinh thần: Mùi thơm của nước đun cây mùi già rất đặc trưng, và được dùng để tắm gội vào cuối năm (là mùa vụ thu hoạch cây rau mùi đã ra hoa và trổ quả).
Đặc biệt hương mùi già luôn phảng phất vào chiều 30 Tết đã thành một truyền thống. Vậy nên ngửi thấy hương cây mùi già sẽ gợi lên những kỹ ức về quê hương, gia đình rất gần gũi ấm áp, làm người ta sẽ nhớ đến không khí Tết, không khí đoàn tụ quay quần với gia đình.
Việc nấu nước lá mùi già vô cùng đơn giản và dễ làm. Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu để nấu nước là muối, gừng và mùi già.
Một điều quan trọng bạn cần lưu ý trước khi sử dụng lá mùi tắm là chúng ta cần rửa sạch lá đun sôi để tránh nhiễm khuẩn. Trong rau mùi già có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... nên việc rửa thật kỹ, thật sạch loại rau này là cần thiết. Ngoài ra, rau mùi được thu hoạch và bán trực tiếp từ người nông dân, không qua xử lý bảo quản, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ những vi khuẩn có sẵn trong đất, có thể dính vào lá rau.
Sau khi rửa thật sạch cây mùi già, bạn cuộn lá mùi thành bó lại sao cho vừa trong lòng nồi, đập dập gừng cho vào, đổ nước gần đầy nồi rồi đun sôi.
Sau khi đun sôi, chắt nước lá đã nấu ra chậu, thêm một chút muối rồi pha loãng với nước ấm. Sau đó là bạn đã có thể sử dụng để tắm, rửa mặt hay xông đúng theo như phong tục cuối năm.
Nhiều người cho rằng tắm nước lá mùi càng đậm đặc càng tốt. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Ở mức độ vừa phải, hương thơm của mùi già giúp thư giãn nhưng nếu ở dạng đậm đặc có thể phản tác dụng, gây khó chịu cho chính bạn.
Ngày nay cuộc sống bận rộn có thể khiến cho việc mua và đun nước tắm mùi già trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng tinh dầu mùi già và lá tắm thảo dược dạng túi lọc được sấy lạnh để thay thế.
Tuy có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý nên tránh tắm lá mùi ở trong những trường hợp sau.
- Không sử dụng cho trẻ bị sởi. Việc sử dụng hạt hoặc lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi cần hết sức lưu ý vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
- Những người mắc bệnh viêm da tuyệt đối không tắm nước lá mùi khi da có vết thương hở, bong tróc, nhiễm trùng hay viêm da bởi chúng có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
- Không nên sử dụng nước lá rau mùi già để tắm cho trẻ sơ sinh.
- Không tắm khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh./.
Link nội dung: https://marketingalpha.vn/la-mui-a48555.html