Cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên ngành khoa học cơ bản

Cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên ngành khoa học cơ bản
Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản có cơ hội việc làm rộng mở. Ảnh: Phạm Đông

Ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh

Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số ngành khoa học cơ bản gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, các ngành trong khối khoa học trái đất (Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học).

Mặc dù hiện học phí các ngành khoa học cơ bản đang ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo, nhóm ngành này vẫn nằm trong top ngành có điểm chuẩn thấp nhất nhưng vẫn không thu hút được người học.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022, chỉ tiêu đạt được của lĩnh vực khoa học tự nhiên là 59%, khoa học sự sống là 58%. Đây là hai trong bốn lĩnh vực có tỷ lệ đầu vào đại học thấp nhất trong 3 năm liên tiếp.

Trong khi đó, những ngành mới mở, vốn không phải là thế mạnh trong đào tạo của trường, lại thu hút lượng lớn hồ sơ ứng tuyển dẫn đến việc điểm chuẩn tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như nguồn nhân lực hoạt động trong ngành khoa học cơ bản sau này.

Lý giải về sự mất cân bằng trong tuyển sinh đầu vào, đa số nhà trường đều cho rằng, một phần nguyên nhân là do cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc của thí sinh khiến những ngành này không được ưa chuộng.

Bên cạnh đó, phụ huynh, thí sinh quan tâm đến những ngành nghề có cơ hội nghề nghiệp rộng mở thay vì bó hẹp ở 1 lĩnh vực nhất định.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, những sinh viên theo học ngành khoa học cơ bảntốt nghiệp khá, giỏi và có năng lực thật sự thì cơ hội việc làm rất rộng mở. Cụ thể:

Ngành Vật lý bao gồm các chuyên ngành: Vật lý lý thuyết, vật lý ứng dụng, vật lý điện tử, vật lý chất rắn, vật lý hạt nhân, vật lý tin học, vật lý địa cầu, vật lý - tin học,...

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các công ty điện tử, máy tính, các cơ sở y tế, bệnh viện, các cơ quan xí nghiệp chế tạo vật liệu, các liên đoàn địa chất, các trung tâm, viện nghiên cứu biển, khí tượng thủy văn, không lưu, môi trường, các sở khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường,...

Ngành Hóa học bao gồm một số chuyên ngành: Hóa hữu cơ, Hóa vô cơ, Hóa phân tích, Hóa lý,...Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến hóa học như: Viện nghiên cứu, Nhà máy xí nghiệp hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp,...

Ngành Hải dương học và Khí tượng thủy văn là ngành học nghiên cứu về tất cả các vấn đề có liên quan đến biển. Trong đó có tương tác biển, khí quyển và các quá trình xảy ra ở vùng cửa sông, cửa biển. Đây là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành liên quan đến toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học về địa chất và môi trường.

Tốt nghiệp ngành này có thể công tác tại các viện nghiên cứu, các trung tâm, các đài, trạm quốc gia của Tổng cục Khí tượng thủy văn, trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, các sở khoa học công nghệ và môi trường phục vụ các ngành kinh tế, xã hội, quốc phòng… có liên quan đến hải dương.

Sinh viên tốt nghiệp Ngành Điện tử viễn thông có thể làm việc tại các công ty, xí nghiệp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, viễn thông, các đài phát thanh - truyền hình, công ty tư vấn, thiết kế mạng viễn thông như: truyền dẫn, truyền số liệu; công ty điện thoại, thông tin di động, sản xuất thiết bị điện tử - viễn thông,...

Ở Việt Nam hiện có nhiều công ty nước ngoài đầu tư xây dựng rất nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất, lắp ráp trang thiết bị, vật dụng liên quan đến điện tử viễn thông do vậy cơ hội việc làm của sinh viên ngành này rất lớn.

Link nội dung: https://marketingalpha.vn/cac-nganh-khoa-hoc-a50550.html