Vì sao lại có quan niệm ăn chè đậu đỏ sẽ "thoát ế" ngày Thất tịch?

Mùng 7/7 Âm lịch hàng năm được gọi là ngày Thất tịch (trong tiếng Hán, Thất tịch có nghĩa là "chiều tối mùng 7 Âm lịch").

Với người Việt Nam, Thất tịch còn được biết đến là Tết Ngâu, ngày ông Ngâu bà Ngâu hay ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Đây cũng được coi là một trong những ngày lễ tình nhân ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Năm nay, ngày Thất tịch rơi vào thứ 7 (ngày 10/8 Dương lịch).

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Thất tịch

Ngày Thất tịch bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, gắn liền với chuyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ.

Tương truyền, Ngưu Lang là một chàng trai chăn bò nghèo. Một lần, chàng trông thấy 7 tiên nữ xinh đẹp tắm trong hồ nên đã lấy trộm xiêm y của họ. Phát hiện mất váy áo, các nàng tiên cử em út và xinh đẹp nhất là Chức Nữ ra lấy lại đồ. Nàng đành phải làm theo, sau đó chấp thuận lời cầu hôn vì đã lộ diện trước chàng.

Cặp đôi sống với nhau hạnh phúc và có hai con. Nhưng khi biết con gái kết duyên với kẻ phàm trần, Vương Mẫu nổi giận, bắt Chức Nữ quay về làm công việc dệt các đám mây ngũ sắc.

Vì sao lại có quan niệm ăn chè đậu đỏ sẽ thoát ế ngày Thất tịch? - 1

Nguồn gốc ngày Thất tịch gắn liền với truyền thuyết về chuyện tình Ngưu Lang và Chức Nữ (Ảnh: Chinahighlights).

Để chia cắt đôi tình nhân, Vương Mẫu đã dùng chiếc kẹp tóc vạch ra con sông Ngân trên bầu trời. Xót thương cho chuyện tình đẹp, hàng triệu con quạ bay lên trời kết thành cầu Ô thước để đôi vợ chồng có thể đoàn tụ vào ngày 7/7 Âm lịch. Ngọc Hoàng cũng mủi lòng đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần.

Khi phải tiễn biệt, Ngưu Lang và Chức Nữ đều khóc lóc bi thương. Nước mắt của họ rơi xuống tạo thành những cơn mưa ở trần thế, được người đời gọi là mưa ngâu, đọc chệch của từ "ngưu".

Bởi vậy, Thất tịch được coi như một ngày dành riêng cho tình yêu.

Người Trung Quốc coi trọng ngày Thất tịch hay còn gọi là Khất Xảo. Đêm mùng 7/7 Âm lịch, phụ nữ nước này sẽ bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong sự khéo léo và lấy được người chồng tốt.

Tại Nhật Bản, lễ Thất tịch được gọi là Tanabata. Vào ngày này, người dân sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc (tanzaku) rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Giới trẻ lui tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm được người tâm đầu ý hợp.

Còn tại Hàn Quốc, trong lễ Thất tịch (Chilseok), người dân sẽ tắm dưới mưa để cầu mong có sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, họ sẽ thưởng thức mì và bánh nướng.

Tại Việt Nam, vào ngày Thất tịch, người dân thường đi chùa cầu duyên để cầu mong những điều tốt đẹp, sự bình an và gặp thuận lợi trong con đường tình yêu.

Quan niệm những điều mang lại may mắn

Theo quan niệm dân gian trong ngày Thất tịch, nhiều người thường đi chùa cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, những người độc thân còn tới để cầu duyên, mong sớm gặp được người như ý.

Vài năm gần đây, nhiều người Việt đặc biệt là người trẻ thường rộ lên trào lưu ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch. Thực tế, món ăn này xuất phát từ Trung Quốc, gần đây trở nên phổ biến ở nhiều nước châu Á. Theo quan niệm phương Đông, màu đỏ luôn được coi là màu của sự may mắn, hạnh phúc và tình yêu. Đậu đỏ với màu sắc đặc trưng được cho là sẽ mang đến vận may, niềm vui và sự ấm áp trong tình cảm.

Người trẻ tin rằng, việc ăn chè đậu đỏ sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc, ai độc thân sẽ sớm "thoát ế".

Vì sao lại có quan niệm ăn chè đậu đỏ sẽ thoát ế ngày Thất tịch? - 2

Ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch được cho là sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa (Ảnh: Nyonyacooking).

Thực hư những kiêng kị

- Không tổ chức đám hỏi, đám cưới: Ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ chỉ được gặp nhau vào mùng 7/7 Âm lịch, đoàn tụ chưa được bao lâu đã phải xa cách. Do đó, nhiều người quan niệm rằng, không nên tổ chức đám hỏi, đám cưới vào ngày này.

- Không xây nhà: Ngày Thất tịch thường có mưa ngâu, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Tháng 7 Âm lịch còn là tháng cô hồn nên nhiều người kiêng làm việc trọng đại, bỏ ra số tiền lớn để mua nhà, tậu xe.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đây chỉ là các quan niệm dân gian.

Người dân không cần phải có tâm lý kiêng kị, đề phòng quá mức trong ngày Thất tịch hay các ngày khác trong tháng 7 Âm lịch.

Ông nhấn mạnh: "Cần khẳng định rằng tháng 7 Âm lịch cũng như những ngày, tháng khác trong năm. Nếu tháng Giêng lòng người phơi phới với ước vọng một năm an bình, hạnh phúc; thì tháng 7 phải luôn có tình cảm hiếu kính, lòng thương xót, bao dung.

Nên cúng lễ tổ tiên trong ngày rằm. Nên ăn chay vào ngày mùng một, ngày rằm, tránh sát sinh. Nếu có điều kiện, nên tham gia phóng sinh, thành tâm lễ Phật, bố thí cho oan vong, cô hồn, ngạ quỷ thông qua nhà chùa".

Link nội dung: https://marketingalpha.vn/dau-do-that-tich-a53689.html