Tết Hàn thực bắt nguồn từ văn hoá Trung Hoa. Khi du nhập vào Việt Nam đã có nhiều thay đổi về phong tục lễ nghi. Ít người biết rằng, Tết Hàn thực có nguồn gốc từ một câu chuyện vô cùng cảm động trong lịch sử Trung Hoa về lòng trung quân và tình nghĩa con người.
Theo truyền thuyết, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua.
Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói.
Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).
Bởi thế, “Hàn thực” ("hàn": lạnh, "thực": đồ ăn, ăn uống) có nghĩa là những đồ ăn lạnh. Nhưng khi phong tục này du nhập vào Việt Nam, dân ta không còn nhớ nhiều đến nhân vật Giới Tử Thôi và kiêng lửa nữa. Ngày này được dân ta gọi nôm na là "Tết Bánh trôi Bánh chay" vì đây là món ăn đặc trưng cuả ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch hằng năm. Những món bánh này được dân ta dùng để cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng.
Bánh trôi bánh chay là món ăn đặc trưng của ngày Tết Hàn thực mùng 3/3 với các nguyên liệu chính như: bột gạo nếp, đường đỏ viên, đậu xanh…
Không chỉ vậy, món ăn này còn được dâng cúng trong lễ Hai Bà Trưng ngày 6/3 tại làng Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Tây); ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và hội Phủ Giầy tháng 3 lễ Mẫu bởi cũng có những sự tích cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chạy tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra 50 người con theo cha xuống biển.
Có thể khẳng định rằng, ý nghĩa ban đầu của Tết Hàn thực ở Trung Hoa đã có nhiều thay đổi khi du nhập vào Việt Nam. Giờ đây, ngày 3/3 Âm lịch trở thành một trong những ngày lễ được nhiều người chờ đón để bày tỏ tấm lòng với tổ tiên. Đây cũng là ngày các bà các mẹ dạy các con nhỏ nặn chiếc bánh từ bột gạo nếp dẻo thơm để gìn giữ một nét đẹp văn hoá lâu đời của người Việt. Bởi thế, bài thơ của Hồ Xuân Hương về chiếc bánh trôi đã in sâu trong tâm trí mỗi người Việt Nam ta:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Link nội dung: https://marketingalpha.vn/ngay-3-3-am-a57342.html