GPO - Học nha khoa tại Việt Nam: Góc nhìn từ một cựu sinh viên

Với tư cách là một người trẻ có những trải nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực nha khoa, cụ thể là tại thành phố Hồ Chí Minh, mình sẽ điểm qua đôi nét về ngành học thú vị này cũng như cơ hội phát triển bản thân và môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp để các bậc phụ huynh và các em học sinh sắp bước vào mùa thi tuyển, chọn ngành có cái nhìn trọn vẹn hơn về quyết định của con em mình. Xin lưu ý đây là quan sát và nhìn nhận của cá nhân tác giả, bài viết chỉ mang tính tham khảo, không nhằm mục đích tổng hợp toàn cảnh ngành nha khoa cả nước.

1. CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO CHÍNH THỨC VỀ NHA KHOA

GPO - Học nha khoa tại Việt Nam: Góc nhìn từ một cựu sinh viên

Để làm việc trong lĩnh vực nha khoa hiện nay (không tính đến các công việc hành chính, kế toán, quản lý nhân sự... mà bắt buộc cơ quan, tổ chức nào cũng phải có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, các bạn cần tốt nghiệp một trong các ngành đào tạo sau đây: trợ thủ nha khoa, kỹ thuật viên trung học kỹ thuật phục hình răng (KTPHR), cử nhân KTPHR, điều dưỡng nha khoa, y sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt (RHM) và bác sĩ RHM.

GPO - Học nha khoa tại Việt Nam: Góc nhìn từ một cựu sinh viên

Bảng 1. Thông tin cơ bản các ngành học trong lĩnh vực nha khoa

2. YÊU CẦU ĐẶC BIỆT ĐỂ CÓ THỂ THEO HỌC VÀ LÀM VIỆC TRONG NGÀNH NHA KHOA

Tính kiên nhẫn

Nhìn chung, nha khoa là một chuyên ngành khá đặc biệt trong khối ngành y tế. Người ngoài thường xem nha khoa là một lĩnh vực thiên về cung cấp dịch vụ hơn là chăm sóc y tế nói chung do có liên quan nhiều các loại hình can thiệp thẩm mỹ. Do đó, khách hàng hay BN cũng có đòi hỏi cao hơn về cung cách phục vụ, tương xứng với chi phí đã bỏ ra. Vì vậy, theo học và làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi các bạn rèn luyện tính kiên nhẫn càng nhiều càng tốt.

Kiên nhẫn để không ngừng học tập cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Nha khoa cũng như các ngành y khác đòi hỏi khối lượng kiến thức rất lớn, áp lực học tập cao. Vượt qua vòng tuyển chọn đầu vào là các bạn xem như có đủ năng lực về trí tuệ để tiếp thu kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả học tập tốt thì đòi hỏi nỗ lực học tập không ngừng, kiên trì đến cùng.

Hơn nữa, nha khoa được xếp vào nhóm ngành ngoại khoa, tức là đòi hỏi nhiều về kỹ năng thao tác tay. Nếu mình không giỏi bắt chước thì việc thường xuyên rèn luyện sẽ giúp mình "quen tay". Cụ thể nhiều bạn học lý thuyết giỏi nhưng việc thao tác thực hành lại gặp khó khăn, cần nhiều thời gian hơn người khác để làm chủ được kỹ năng. Do đó, có tính kiên nhẫn sẽ giúp bạn ít gặp căng thẳng, khó khăn khi theo đuổi chuyên ngành này.

Ngoài ra, bạn cũng phải kiên nhẫn để lắng nghe mong muốn từ khách hàng hay BN để có thể đáp ứng đúng nguyện vọng, nhất là về vấn đề thẩm mỹ. Ngoài ra, nhiều bệnh lý RHM cũng liên quan đến tâm lý nên hiểu rõ suy nghĩ của BN sẽ giúp đạt được hiệu quả giao tiếp và kết quả điều trị tốt hơn.

Sự tỉ mỉ

Đặc biệt quan trọng đối với các bạn theo học về kỹ thuật phục hình răng. Vì đối tượng làm việc chính là răng giả, thường rất nhỏ, nhiều chi tiết. Mặc dù không trực tiếp can thiệp trên BN, nhưng các bạn cần giao tiếp tốt với BS để hiểu rõ mong muốn của BN nhằm mang đến một phục hình đạt độ hài lòng cao. Công việc chính của các bạn sẽ là điêu khắc răng, đắp sứ, nhuộm màu sứ, bẻ kẽm, mài nhựa, v.v... Các đối tượng vô cùng bé nhỏ, tính bằng mi-li-mét, lại chịu áp lực lớn từ BN và BS. Nên bên cạnh sự kiên nhẫn, tính tỉ mỉ là một trong những chìa khóa giúp bạn đạt được thành công trong nghề nghiệp. Thực sự với mình, đội ngũ kỹ thuật viên KTPHR là những nghệ sĩ thực thụ.

Óc thẩm mỹ

Nha khoa thẩm mỹ là lĩnh vực quan trọng trong nha khoa nói chung. Mặc dù khái niệm thẩm mỹ có tính chủ quan, thay đổi ở từng cá nhân. Nhưng nhân sự nha khoa cũng cần có kỹ năng phân tích và nhìn nhận các vấn đề Răng Hàm Mặt một cách toàn diện, đảm bảo tính cân đối, hài hòa về hình dáng, cấu trúc và màu sắc của răng, mô mềm và tổng thể khuôn mặt. Kết hợp óc thẩm mỹ cá nhân và sự kiên nhẫn khi lắng nghe tiếp thu ý kiến của BN sẽ giúp bạn thành công trong công việc.

Lưu ý óc phân tích thẩm mỹ khác với năng khiếu về hội họa hay nghệ thuật nói chung. Mình có nhiều người bạn không biết hoặc không giỏi vẽ nhưng vẫn là các BS RHM giỏi. Bên cạnh khả năng thiên phú, nếu có ý thức và quan tâm, bạn vẫn có thể rèn luyện bằng cách tham dự các lớp huấn luyện có liên quan đến nghệ thuật, mỹ thuật để bổ trợ thêm cho công việc của bản thân.

Thuận tay phải

Bác sĩ RHM, điều dưỡng nha khoa và y sĩ chuyên khoa RHM thực hiện các can thiệp trên BN có sử dụng ghế máy nha khoa phải sử dụng được tay phải. Vì các ghế máy nha khoa trong nước hiện nay đều có thiết kế cho người điều trị ngồi bên phải, đa số là cố định và không điều chỉnh sang bên ngược lại được. Mặc dù trên thế giới, có những dòng máy nha khoa được thiết kế riêng cho người thuận tay trái nhưng tại các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở y tế trong nước không phải lúc nào cũng có trang bị đầy đủ, trừ khi là phòng khám riêng của bạn. Vì vậy, nếu không tập sử dụng được dụng cụ bằng tay phải bạn nên cân nhắc khi theo học các ngành này.

3. CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU TỐT NGHIỆP

Sau tốt nghiệp, bạn có thể làm việc theo đúng năng lực chuyên môn đã được đào tạo trong các cơ sở dân lập (Việt Nam hoặc quốc tế) và công lập trong nước (*) sau đây:

Cơ sở y tế

Cơ sở giáo dục

Cơ quan quản lý các cấp (Bộ y tế, Sở y tế, v.v...)

Cơ sở khác

(*): Điều kiện làm việc tại nước ngoài, tùy thuộc vào quy định của nước sở tại, các ký kết hợp tác giữa Việt Nam và nước đó, cần kiểm tra thêm nếu có nhu cầu.

(**): Điều kiện hành nghề, mở phòng khám sau tốt nghiệp đối với Bác sĩ RHM tuân theo quy định của pháp luật hiện hành, không thuộc phạm vi của bài viết này.

4. CƠ HỘI NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Trong nước

Bảng 2 tóm tắt ngắn gọn nhất các cơ hội học tập nâng cao sau khi tốt nghiệp các khối ngành được nêu ở Mục 1. Tùy theo điều kiện của từng trường mà sẽ có các thông tin cụ thể. Bạn có thể tham khảo trên trang web của các trường nha khoa trong nước ở Bảng 3. Ngoài các trường trong danh sách bên dưới (có đào tạo BS RHM và một số ngành khác), còn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đăng tuyển các ngành học không phải là BS RHM, các bạn chỉ cần gõ tên của ngành học trên Google để tìm hiểu thêm, vì các thông tin này thay đổi hàng năm.

Bảng 2. Cơ hội học tập nâng cao sau khi tốt nghiệp ngành nha

Bảng 3. Thống kê một số trường đào tạo Bác sĩ Răng Hàm Mặt trong nước

Ngoài nước

Trong thời gian theo học hoặc sau khi tốt nghiệp chương trình học trong nước, bạn có thể tìm kiếm cơ hội học tập bằng học bổng hoặc tự túc ở nước ngoài ở các trình độ từ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học tùy theo yêu cầu cụ thể của từng trường và từng quốc gia. Để biết thêm chi tiết nên tham khảo các Trung tâm tư vấn du học. Thông tin liên quan du học ngành nha khoa có thể theo dõi tại page: https://www.facebook.com/dentiststudy/. Theo quan sát của mình, thì trung bình mỗi năm, riêng khoa RHM của Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 3 suất học bổng dài hạn (Thạc sĩ, Tiến sĩ), 5-10 suất học bổng ngắn hạn 1 tuần đến 6 tháng (trao đổi sinh viên, cập nhật kiến thức-kỹ năng cho giảng viên). Lưu ý, số lượng có thể thay đổi hàng năm tùy theo ký kết hợp tác giữa các trường; và số lượng sinh viên mỗi khóa cho tất cả khối ngành là 100-200 sinh viên.

Điểm lưu ý chung là cần xác định mục tiêu học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài. Nha khoa nói riêng và khối ngành y tế nói chung khá đặc thù, bằng cấp hiện tại ở Việt Nam có thể chỉ được chấp nhận ở một số ngành học không có can thiệp trực tiếp trên BN. Để hành nghề ở nước ngoài, bạn phải trải qua các kỳ thi chuyển đổi bằng cấp hoặc phải theo học lại toàn bộ chương trình từ sau cấp độ THPT. Ngược lại, sau khi về nước, bằng cấp của bạn cũng phải được công nhận của cơ quan chủ quản của Việt Nam, xác nhận giá trị tương đương của văn bằng đó ở Việt Nam hay không. Vì vậy, cần kiểm tra trường nước ngoài mà bạn theo học trước khi đăng ký học tại Trung tâm công nhận văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, bạn cũng có thể tham gia các Hội nghị, hội thảo chuyên ngành, workshop, khóa huấn luyện kỹ năng của các đơn vị, công ty quốc tế có thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng phục vụ tốt hơn cho công việc của mình.

5. CÁC CHUYÊN KHOA SÂU TRONG LĨNH VỰC NHA KHOA

Như mô tả khái quát về công việc chính của từng ngành đào tạo ở mục 1, không phải đối tượng nào học về nha khoa cũng có thể can thiệp trên BN hay thực hành các điều trị về thẩm mỹ nói riêng và các thủ thuật phức tạp nói chung. Thực tế ngoài xã hội, do thiếu kiến thức và ảnh hưởng của truyền thông, nhiều người có thể ngộ nhận về chức năng công việc của tất cả nhân sự trong nha khoa dẫn đến định hướng nghề nghiệp không đúng.

Để hành nghề theo đúng quy định của pháp luật và y đức của người thầy thuốc, nhân sự trong nha khoa phải theo học và rèn luyện đúng chuyên môn đã được đào tạo. Riêng đối với BS RHM, sau khi tốt nghiệp, có thể định hướng phát triển theo các chuyên khoa sâu thông qua các chương trình đào tạo sau đại học, các chứng chỉ chuyên khoa sâu. Dưới đây là một số chuyên khoa RHM:

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn và gia đình định hướng tốt hơn cho ngành nghề mà mình sắp lựa chọn.

Minh Thùy - Theo Spiderum

Career.gpo.vn

Link nội dung: https://marketingalpha.vn/hoc-nha-khoa-a58076.html