Theo kế hoạch được rút gọn, 4.000 binh sĩ sẽ diễu hành trên Đại lộ Foch, từ Porte Dauphine đến Khải Hoàn Môn. Lễ duyệt binh năm nay sẽ có ít binh lính hơn, ít máy bay hơn và hơn hết là không có phương tiện cơ giới. Theo ước tính, con số này ít hơn khoảng 25% so với các năm trước.
Đây không phải là năm đầu tiên lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp không diễn ra trên đại lộ đẹp nhất thế giới. Trên thực tế, chỉ từ nhiệm kỳ Tổng thống của François Mitterrand, các nguyên thủ quốc gia mới hệ thống hóa địa điểm tổ chức lễ duyệt binh.
Lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh Pháp (14-7-2023). Ảnh: AFPNgày Quốc khánh Pháp 14-7 có nguồn gốc từ Ngày Liên bang năm 1790. Thời điểm đó, các liên đoàn vệ binh quốc gia từ các tỉnh đã diễu hành ở công viên Champ de Mars để kỷ niệm một năm ngày chiếm ngục Bastille, một biểu tượng của sự đoàn kết của người dân Pháp. Nhà vua có bài phát biểu trước hàng trăm nghìn người dân Paris.
Tranh sơn dầu trên vải của Charles Thevenin (1764-1838) trong Ngày Liên bang vào ngày 14-7-1790 tại Champ de Mars. Ảnh Josse / Bridgeman ImagesNgày 6-7-1880, một đạo luật được thông qua theo đó lấy ngày 14-7 là Ngày Quốc khánh Pháp. Kể từ đó, các nghi lễ quân sự diễn ra gần như hằng năm, nhưng hiếm khi tổ chức trên Đại lộ Champs-Élysées.
Năm 1880, lễ duyệt binh kỷ niệm lần đầu tiên diễn ra tại trường đua ngựa Longchamp với sự chứng kiến của Tổng thống Cộng hòa Jules Grévy. Sự kiện quy tụ hàng chục nghìn người dân chứng kiến. Bài “La Marseillaise” được chọn làm quốc ca một năm trước đó, đã được hát vang tại lễ duyệt binh. Kể từ đó, sự kiện “Longchamp” được tổ chức hằng năm theo hình thức này cho đến tận năm 1914.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các Thống chế Joffre, Foch và Pétain tham gia diễu binh, diễu hành trên lưng ngựa trên Đại lộ Champs-Élysées vào ngày 14-7, cùng với các đội hình binh sĩ đã chiến đấu với quân Đức.
Đi đầu trong đoàn diễu binh, diễu hành là những người bị thương nặng-những người được vinh danh trong lễ ăn mừng chiến thắng. Sau đó đến các nguyên soái, tiếp theo là quân đội đồng minh như Mỹ, Bỉ, Anh, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và những quốc gia khác đã giúp quân đồng minh đánh bại Đức.
Xe tăng Renault FT, có biệt danh là “Xe tăng chiến thắng”, được thiết kế vào cuối cuộc chiến và mang tính quyết định trong trận chiến năm 1918, tham gia cuộc duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh Pháp. Ảnh: Bridgeman Images Tướng de Gaulle với Tổng thống René Coty vào ngày 14-7-1958 gần Quảng trường Bastille. Ảnh: AFPNăm 1921, cuộc duyệt binh ngày 14-7 diễn ra tại trường đua ngựa Vincennes dưới sự chỉ huy của Thống chế Pétain. Cuộc duyệt binh hiếm khi được lặp lại trong những năm tiếp theo, thậm chí còn bị hủy bỏ trong một số năm. Đầu những năm 1930, một cuộc duyệt binh được tổ chức tại khu vực Les Invalides và Quảng trường Concorde, băng qua cây cầu Alexandre III hùng vĩ.
Trong bối cảnh quốc tế đặc biệt căng thẳng những năm sau đó và ngay trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, Tổng thống Albert Lebrun đã tổ chức lại lễ duyệt binh trên Đại lộ Champs-Élysées. Vào những năm 1938 và 1939, quân đồng minh Anh thậm chí còn tham gia duyệt binh cùng với quân đội Pháp trong ngày lễ quan trọng này.
Tổng thống Albert Lebrun đã có một bài phát biểu cảm động nhân dịp cuộc diễu binh này: “Chúng ta đoàn kết trong một cộng đồng tự do, quảng đại và mạnh mẽ... Chúng ta hãy đoàn kết trong ngày này để cầu chúc một tương lai hạnh phúc cho tất cả những người có thiện chí”.
Đến cuối giai đoạn “30 năm rực rỡ - Thirty Glorious Years”, cuộc diễu binh ngày 14-7 không còn cố định ở một địa điểm cụ thể nữa. Nó thậm chí còn thay đổi thường xuyên ở thủ đô, đặc biệt là dưới sự chủ trì của Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing. Năm 1974, cuộc diễu binh được tổ chức theo lộ trình từ Quảng trường Bastille đến Quảng trường Cộng hòa. Năm 1976, lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh được tổ chức trên Đại lộ Vincennes. Năm 1976 được tổ chức trên Đại lộ Champs-Élysées và năm 1977 là trước Trường Đại học Quân sự ở quận 7.
Từ năm 1980, lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh mới quay trở lại Đại lộ Champs-Élysées. Năm 2020, lễ duyệt binh không được tổ chức do đại dịch Covid-19.
PHƯƠNG LINH (theo Le Figaro)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Link nội dung: https://marketingalpha.vn/ngay-quoc-khanh-phap-a58620.html