Nhu cầu đi kèm chất lượng
Chỉ còn 1 ngày nữa là kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024, song, Nguyễn My (quê Hà Tĩnh) vẫn chưa biết chọn ngành học nào để đặt nguyện vọng 1.
My chia sẻ: "Em thích ngành tài chính ngân hàng nhưng sợ sau này sẽ bão hòa việc làm. Nhiều người nói ngành này thừa nhân lực rồi, công nghệ, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay con người. Vì thế, em sợ học xong không xin được việc. Trong khi ngành marketing đang "hot", nhưng em không thực sự thích lắm".
Đây cũng là nỗi lo của không ít thí sinh, phụ huynh trước bối cảnh kinh tế ngày càng biến động.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Hoàng, chuyên gia đào tạo lĩnh vực ngành tài chính, ngân hàng nhấn mạnh sinh viên, phụ huynh có thể yên tâm về cơ hội nghề nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng.
Ông lý giải: "Dòng tiền trong kinh tế giống như dòng máu chảy trong cơ thể con người. Do đó, các bên sẽ phải làm cho dòng tiền luôn luôn ổn định và phát triển. Vì vậy, cơ hội việc làm ngành tài chính ngân hàng luôn dồi dào".
PGS Hoàng cho rằng điều quan trọng là người học ngành này phải rèn luyện kỹ năng toàn diện, tích lũy kiến thức một cách chuyên nghiệp để khi ra trường được các đơn vị sử dụng lao động tìm đến, tin tưởng tuyển dụng.
"Khi có kiến thức, kỹ năng, các bạn cũng không phải lo lắng trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời khiến mình mất việc làm", PGS.TS Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing, chia sẻ nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn đang cao.
Hằng năm, Trường Đại học Tài chính - Marketing vẫn nhận được sự kết nối của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng sinh viên.
Năm nào, các doanh nghiệp cũng đưa ra rất nhiều nội dung để khuyến khích sinh viên tham gia chuyên đề thực tập tốt nghiệp, ngày hội tuyển dụng...
"Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn đang đưa ra nhiều nhu cầu tuyển dụng, song, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn. Đơn vị tuyển dụng cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm chắc kiến thức, kỹ năng, công nghệ để có thể ứng dụng vào lĩnh vực ngành nghề.
Doanh nghiệp cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo ra những sinh viên có thể làm được việc ngay, không cần đào tạo lại", bà Kim Phụng nhấn mạnh.
Bên cạnh ngành tài chính ngân hàng, bà Phụng cũng chỉ ra xu hướng đào tạo liên ngành công nghệ tài chính đang được quan tâm hơn.
Vị phó trưởng phòng tuyển sinh bật mí, ở các phương thức xét tuyển sớm, số thí sinh đăng ký ngành tài chính không giảm, vẫn đảm bảo như mọi năm.
Đào tạo sinh viên thực hành
Ông Nguyễn Đình Hảo, Giám đốc ngân hàng Agribank, Chi nhánh 3, TPHCM, cho hay các đơn vị ngân hàng rất quan tâm, hỗ trợ cơ sở đào tạo sinh viên thực học, thực hành ngay trong quá trình học đại học.
Trong đó, một số trường đại học đã xây dựng trung tâm mô phỏng ngân hàng và chứng khoán để sinh viên thực tập trải nghiệm hoạt động của một ngân hàng thực tế, làm việc như một nhân viên chuyên nghiệp.
Để giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp, từ năm 2019, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM phối hợp với doanh nghiệp cho ra mắt phòng thực hành ngân hàng 4.0. Đây là mô phỏng một môi trường làm việc thực tế mang đến cho sinh viên những trải nghiệm hữu ích.
Tại đây, sinh viên sẽ được các giảng viên hướng dẫn và thực hành những kỹ năng cần thiết của một nhân viên ngân hàng thực thụ, từ đó có cái nhìn tổng quan về công việc mình sẽ làm trong tương lai.
Phía Trường Đại học Văn Lang mới đây cũng khánh thành trung tâm thực hành ngân hàng - chứng khoán.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, nhấn mạnh các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng sinh viên có kinh nghiệm, trải nghiệm, bắt tay ngay vào công việc mà không tốn thời gian học việc.
"Sinh viên được trải nghiệm các quy trình ngân hàng từ xử lý giao dịch đến phân tích rủi ro, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm trong tình huống giả lập thực tế.
Điều này không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên mà còn tạo sự tự tin trước khi bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp", bà Mỹ Diệu nhấn mạnh.
Nữ hiệu trưởng nhận định những thay đổi lớn về công nghệ, ứng dụng và xu thế công nghệ sẽ có tác động không nhỏ tới nhu cầu nhân lực. Do đó, câu chuyện của các cơ sở giáo dục đại học là làm như thế nào để đáp ứng với những yêu cầu đặc biệt mới hơn so với những yêu cầu cơ bản trước đây.
Bà chỉ rõ, đó là năng lực ứng dụng công nghệ, thích ứng với sự thay đổi liên tục. Sinh viên cần hiểu được mình sẽ làm được những việc máy móc không thể thay thế.
Để làm được điều đó, sinh viên cần môi trường để thường xuyên thực tập, thực hành, trải nghiệm, đúc rút kinh nghiệm, áp dụng kiến thức vào thực tiễn.