Mộ chị Sáu thờ cúng vị nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Ngôi mộ này gắn liền với câu chuyện lịch sử về một cô gái vĩ đại đã sống bất khuất và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc khi chỉ mới 18 tuổi. Năm 1950, thực dân Pháp đã mở phiên tòa xử chị "án tử hình" khi chưa đủ tuổi vị thành niên. Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát bài Tiến quân ca. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: "Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!". Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, chị chưa đầy hai mươi tuổi.
Mộ của chị nằm ngay dưới một gốc cây Dương mất ngọn, cành hướng về phía Bắc. Ngôi mộ đã từng không có bia khắc tên tuổi, mà chỉ duy nhất một tấm tôn gỉ ghi rõ số tù. Thời gian qua đi, người người đến thăm mộ chị nhiều hơn, bia đá cũng được có tên. Mộ chị Võ Thị Sáu ở khu B thuộc nghĩa trang Hàng Dương đã được xây dựng lại đầy nghiêm trang, giúp cho du khách quốc tế du lịch Côn Đảo sẽ không còn bị ngỡ ngàng nếu muốn tìm hiểu về chị.
Vị thần của người dân Côn Đảo
Khác với các nghĩa trang khác, nghĩa trang Hàng Dương được cho phép mở cửa vào ban đêm. Từ sáng tới tối, không phân biệt ngày thường hay ngày lễ tết, nghĩa trang luôn đông đúc du khách đến hành hương. Và phần mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu là điểm thu hút đông người đến dâng lễ nhất tại nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang đông đúc, lấp lánh ánh đèn, hương khói nghi ngút cộng thêm cái se lạnh của gió biển, của hơi sương tạo không gian huyền ảo mang lại cảm giác đặc biệt không thể quên.
Đến Côn Đảo, du khách sẽ được nghe những huyền thoại về chị Sáu. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn nhưng ẩn chứa sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân vì nước đã được bất tử hóa như một vị thần. Người dân địa phương gọi chị Võ Thị Sáu là cô Sáu hoặc bà Sáu. Khi gặp bất cứ khó khăn gì, hoặc có những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, họ đều ra mộ chị để thắp hương và khấn cầu. Những người đi làm ăn xa, trước khi lên đường đều đến cầu mong một chuyến đi an lành may mắn. Những người ở đất liền, hay lui tới khấn cầu những điều chưa đạt được, và rồi mỗi năm đều đặn họ quay trở lại để tạ lễ sau khi lời khấn thành hiện thực.
Thời gian đi lễ cô Sáu
Ở Côn Đảo, vào ngày 23/01 âm lịch hằng năm, giỗ cô Sáu sẽ được Nhà nước và người dân địa phương cùng nhau tổ chức. Chị Bùi Thị Ngọc Huyền, Marketing & Communication Manager khách sạn The Secret Côn Đảo cho biết: "Đây cũng là thời điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm Côn Đảo nhất. Nhiều du khách cũng chọn tháng 7 âm lịch để hành hương đến Côn Đảo làm lễ xóa tội vong ân và lễ vu lan báo hiếu. Và thời điểm cuối năm từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch là thời gian nhiều người lựa chọn để đi lễ tạ ơn cô Sáu. Tuy nhiên, chỉ cần thành tâm và có tấm lòng hướng về nơi linh thiêng, các du khách đều có thể đi lễ ở đây bất kì thời điểm nào trong năm."
Cũng như các địa điểm thiêng liêng khác, du khách khi đi viếng mộ cô Sáu đều cần lưu ý đến những quy định của ban quản lý nghĩa trang. Chị Trần Nguyễn Quỳnh My (32 tuổi) hiện đang ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, là một du khách đã nhiều lần trải nghiệm đi lễ cô Sáu, chị đã được người dân Côn Đảo và những người hành hương lâu năm đã chia sẻ về những quy tắc bất thành văn mà bất cứ ai khi viếng cô Sáu đều cần biết.
Những quy tắc khi đi lễ cô Sáu
Theo chị My, để bắt đầu hành trình hành hương, bạn hãy chọn trang phục lịch sự, sạch sẽ, kín đáo tránh làm mất mỹ quan nơi linh thiêng. Chị cũng chia sẻ một lưu ý mà rất nhiều du khách lần đầu tiên đến nghĩa trang Hàng Dương thường bỏ qua: "Trước khi đến mộ cô Sáu, bạn cần trình lễ và làm lễ thắp hương cho các chiến sĩ cách mạng tại đài tường niệm ở nghĩa trang Hàng Dương. Đồ lễ tại đài tưởng niệm bao gồm hoa quả, ly nến, bó hương và quần áo bộ đội bằng giấy. Đây là lưu ý bắt buộc với mỗi du khách hành hương khi đến đây."
Bạn có thể viếng mộ chị Võ Thị Sáu vào bất kì ngày nào trong tuần bởi nghĩa trang Hàng Dương luôn mở cửa, kể cả các ngày cuối tuần. Du khách thường đi viếng mộ vào buổi tối từ 19 giờ đến 22 giờ vì đối với người dân Côn Đảo, đây là thời điểm linh thiêng. Chị My cũng gợi ý rằng: "Buổi tối là thời gian người đi lễ rất đông nên bạn có thể lựa chọn những khung giờ ban ngày để tiến hành dâng lễ, khấn vái và trò chuyện với chị. Nếu du khách đi lễ vào buổi tối cần chú ý tránh chen lấn xô đẩy để giữ gìn không gian nghiêm trang tại khu vực nghĩa trang."
Chị My cũng lưu ý rằng: "Tuyệt đối không được đặt đồ cúng lên phía mộ phần nơi cô Sáu nằm vì như vậy sẽ không tôn trọng cô. Nhiều khách du lịch lần đầu tiên đến dâng lễ cũng đặt lễ vật lên các mộ phần xung quanh. Hai bên mộ cô Sáu sẽ có bàn dài và phía sau ngôi mộ sẽ có mâm để du khách bày đồ lễ nên bạn cần chú ý hành động nếu không sẽ bị xem là vô lễ và không có lòng thành."
Với mỗi người, đồ lễ dâng cô Sáu có thể đa dạng khác nhau, bạn có thể tự chuẩn bị hoặc mua đồ lễ tại các cửa hàng ở Côn Đảo. Độ cầu kỳ của đồ lễ cũng tùy thuộc vào kinh nghiệm đi lễ và khả năng tài chính, du khách chỉ cần đảm bảo những món đồ sau: Nón lá, xấp tiền vàng bạc, bộ gương lược, xấp thỏi vàng, nước suối, bó nhang, một cặp ly nến. Ngoài ra cô Trần Mai Sen (49 tuổi) là một người dân bản địa chuyên buôn bán đồ lễ dâng cho biết: "Cô Sáu rất thích hoa trắng và lêkima hay còn gọi là trái trứng gà, đây là loại trái cây mà cô Sáu rất thích ăn lúc bé. Nên đồ lễ ở đây không thể thiếu hoa cúc trắng, hồng trắng, sen trắng và trái lêkima".
Cô Sen cũng cho biết nhiều du khách cầu kỳ hơn sẽ dâng lễ thật trong đó sẽ có áo dài trắng hoặc một bộ đồ bà ba hay thậm chí là trang sức bằng vàng thật. Thậm chí một số khách du lịch mong muốn dâng thêm lễ mặn và hoa quả, tuy nhiên các đồ lễ thật không được hóa vàng và sẽ được lưu trữ tại nhà tưởng niệm. Vì thế bạn cần thông qua hướng dẫn của ban quản lý nghĩa trang.
Du khách đến thăm mộ sẽ ngửa nón lá lên và bày đồ lễ đã chuẩn bị vào bên trong rồi đặt lên ngôi mộ. Những người hành hương lâu năm cũng lưu ý rằng khi cầu lộc chị Sáu cần ngắn gọn xúc tích, chỉ nên cầu bình an, sức khỏe, công việc và tránh cầu xin tài lộc, tình duyên. Nếu bạn không thuộc văn khấn thì có thể thành tâm cầu khấn, nêu họ tên, địa chỉ chính xác. Sau khi thắp hương và khấn vái xong, bạn sẽ hạ lễ để người phía sau có thể dâng lễ đến chị Võ Thị Sáu.
Chỉ những đồ lễ vàng mã du khách mới cần mang đi hóa vàng. Nến và hoa sẽ được phép gửi lại xung quanh ngôi mộ. Có nhiều du khách hành hương sẽ xin một vài cánh hoa để mang về hóa nước tắm như một nghi thức gột rửa những điềm không may. Gương và lược sau khi hạ lễ sẽ được mang về, theo quan niệm của người dân, chải tóc bằng lược xin từ lễ cô Sáu sẽ gặp nhiều may mắn, còn gương sẽ dùng để soi chiếu khi bản thân cảm thấy bất an, muộn phiền. Và sau khi dâng lễ, những du khách hành hương sẽ thắp hương cho những ngôi mộ liệt sĩ xung quanh.
Chị Quỳnh My cũng cho biết: "Thường sau khi đi cô Sáu về, nếu nguyện cầu của mình đạt được 70 - 80% thì nên thu xếp đi tạ lễ thật sớm. Và phải xin sao cho hợp lý và không được tham lam."
Những lưu ý khi đến Côn Đảo
Một trong những điều kiêng kỵ khi đi viếng cô Sáu chính là xả rác, đặc biệt ở những điểm du lịch hành hương như Côn Đảo.
Bên cạnh đó, khi viếng mộ cô Sáu du khách tuyệt đối không nên nói tục, chửi thề, nói lớn tiếng, cười đùa hoặc có những hành động khiếm nhã. Bởi đây là nơi tôn nghiêm, nơi mà những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng chiến đấu vì hòa bình của tổ quốc và hy sinh oanh liệt đang an nghỉ. Do đó, khi viếng nếu đông người du khách hãy xếp hàng, đừng chen lấn, đi nhẹ, nói khẽ, hành động nhẹ nhàng để bày tỏ sự kính trọng và biết ơn của mình đối với người đã mất và tạo nên nét đẹp trong văn hóa ứng xử tại nơi linh thiêng.