Thông tin về cây xương rồng tai thỏ
Xương rồng tai thỏ còn được gọi với cái tên xương rồng Nopal và tên khoa học là Opuntia Pulvinata. Loại cây này được trồng phổ biến ở miền Tây Nam của nước Mỹ và phía Bắc Mexico.
Xương rồng tai thỏ là loài cây thường thấy ở các khu vực hoang mạc và bán hoang mạc. Không những có vẻ ngoài đáng yêu, loại xương rồng này còn là một món ăn đặc sản ở Quảng Nam, một cây thuốc có giá trị trong những bài thuốc điều trị tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch.
Quen sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi nên xương rồng hình tai thỏ dễ trồng, dễ chăm sóc và có thể sống trong thời gian dài.
Sở dĩ gọi là xương rồng tai thỏ vì cây có các nhánh cây mọc thẳng lên trông như những chiếc tai thỏ. Cây có dạng phiến hình ovan, thân cây có màu xanh. Cây phát triển từ một thân chính, thông thường chỉ mọc ra 2 nhánh như đôi tai thỏ. Cũng có trường hợp nhiều nhánh hơn nhưng ít. Trên mặt xương rồng có nhiều lớp gai nhỏ, xếp thành từng hàng, phủ đều khắp xung quanh mặt. Thân cây dự trữ rất nhiều nước. Trung bình, xương rồng hình tai thỏ có thể đạt đến chiều cao là vài mét. Hoa có màu vàng hoặc đỏ.
Xương rồng tai thỏ màu vàng
Xương rồng tai thỏ màu đỏ
Nếu sống trong điều kiện nhiệt độ mát hơn, cây phát triển to hơn thì cây có thể mọc lá chứ không còn bị tiêu biến thành gai. Là loài cây ưa nắng, sống và sinh trưởng tốt trong điều kiện khô hạn, ít nước.
Những lợi ích, công dụng của xương rồng tai thỏ
Chuyên gia dinh dưỡng Amy Shapiro tại Mỹ cho biết cây xương rồng tai thỏ được coi là một loại thực phẩm mới. Bởi trong xương rồng có chứa chất chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể chống lại các loại bệnh. Còn theo Boldsky, xương rồng có những công dụng sau:
Xương rồng có công dụng giúp giảm nồng độ cholesterol: Theo các nhà khoa học tại Pháp, nghiên cứu ở 100 người cả nam và nữ ăn lá xương rồng liên tục trong 1 tháng, thì phát hiện chất béo và nồng độ cholesterol trong cơ thể của họ đều giảm đáng kể. Từ đó, các chuyên gia khuyên rằng nên ăn lá xương rồng hàng ngày để giảm các bệnh về tim mạch.
Công dụng chống lại các bệnh ung thư: Trong lá xương rồng có chứa 2 hợp chất chống oxy hóa là phenolic và flavonoid.
Hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường: Các nhà nghiên cứu của trường đại học Vienna cho biết, họ thử nghiệm 30 người không béo phì ăn lá xương rồng thường xuyên thì lượng đường trong máu giảm 11%. Vì thế, ăn lá xương rồng thường xuyên sẽ giúp giảm lượng đường trong máu cho những người béo phì.
Chống viêm: Trong xương rồng có chứa chất chống viêm có công dụng rất tốt cho ruột, tim mạch, viêm loét, dạ dày và động mạch, giảm sưng phù
Công dụng giúp bảo vệ các tế bào não: Trong quả và thân cây Xương Rồng đều chứa quercetin 3-methyl - đây là hợp chất có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh hiệu quả và tránh khỏi tổn thương.
Hệ tiêu hóa: Ăn lá xương rồng thường xuyên sẽ hỗ trợ tăng cường hệ tiêu hóa. Loại cây này có khả năng tích trữ nước, đào thải các độc tố, giảm tích tụ mỡ ở dưới da và thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa cực tốt.
Món ăn ngon
Hầu như tất cả các loại xương rồng đều có thể dùng làm thực phẩm, Nopal thực phẩm thuộc trong 2 họ là Opuntia và Nopalea. Tại Mexico người ta thấy có đến 24 loài, trong đó 15 loài để chăn nuôi gia súc, 6 loài để lấy quả hạt và 3 loài để làm rau xanh cho người (Opuntia ficusindica, Opuntia robusta và Nopalea cochellinifera), nhưng để đạt năng suất cao người nam Mỹ hay trồng nhất là xương rồng Nopal loại Opuntia ficus-indica.
Ở Mexico, xương rồng Nopal thường được bán dạng rau quả tươi sống; dạng đóng hộp hoặc phơi khô chủ yếu để xuất khẩu ra nước ngoài. Thống kê cho thấy một người dân Mexico mỗi năm dùng trung bình đến 6,4 ký xương rồng. Rất nhiều món ăn, thức uống của Mexico sử dụng xương rồng Nopal làm nguyên liệu như: huevos con nopales (trứng với nopal), carne con nopales (thịt với nopal), tacos de nopales (bánh mì chiên giòn nopal), salads de nopales (xà lách nopal), Nopalea (nước uống nopal).
Xương rồng tai thỏ: Món ngon, vị thuốc
Ở Việt Nam, nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam, nhiều bà nội trợ cũng đã biết chế biến xương rồng bằng cách xào, nấu canh, làm lẩu … cho ra cả chục món ăn ngon, hợp khẩu vị, có nơi còn phong danh “đặc sản” địa phương.
Thành phần dinh dưỡng của 100 gam xương rồng Nopal: Năng lượng 27 Kcalo; Protid 1,7 gam, Lipid 0,3 gam, Glucid dạng xơ sợi hòa tan và không không hòa tan, pectin, mucilage; nhiều loại Vitạmin như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin K, vitamin PP(niacin); nhiều chất muối khoáng như calci, magnesi, kali, mangan, sắt, đồng và đặc biệt có rất nhiều chất chống oxy hoá.
Đặc biệt, dầu béo trong hạt xương rồng chứa các loại a xít béo không no, giá trị cao có nhiều ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
Các nhà khoa học ở ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM đã chiết tách tinh dầu từ hạt xương rồng Nopal, trồng ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho thấy hàm lượng các a xít béo chưa no trong xương rồng Nopal khá cao, từ 63,62 - 69,06%. So sánh với dầu trong các loại hạt khác: dầu ngô (59%), dầu mè (45%), dầu hạt bông (49-58%), dầu đậu nành (51%), dầu hạt hướng dương (68%), dầu hạt thược dược (78%), dầu cọ (10%), hạt thuốc phiện (70%), hạt nho (73%)… Một điều lý thú là nồng độ a xít béo chưa no này tương đương với xương rồng của Tunisia, cao hơn rất nhiều so với dầu hạt xương rồng của Đức và Trung Quốc.
Vị thuốc quý
Vì là một loại rau thực phẩm, xương rồng Nopal có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy-hóa (antioxidants), vitamin, khoáng, vi lượng, còn được dùng điều chế một số thuốc biệt dược, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn chất mỡ trong máu, ngộ độc rượu, tiêu chảy, nhiễm virut, thuốc nhuận tràng, u xơ tiền liệt tuyến…
Cũng vì nhiều xơ sợi, pectin và mucilage nên xương rồng Nopal là một thực phẩm chức năng rất tốt để phối hợp cho các bệnh nhân thừa cân, béo phì và đái tháo đường. Theo nhiều nghiên cứu khoa học ở Mexico, thực phẩm chế biến với xương rồng Nopal có khả năng làm giảm đường máu và tăng insulin máu rõ rệt ở các bệnh nhân đái tháo đường thể 2.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, xương rồng Nopal là cây thực vật duy nhất có đủ 24 loại betalain hiện có. Betalain là những sắc tố đa vòng phenol (polyphenolic pigment compounds) trong cây củ cải đường (beet) và một vài loại cây khác; màu đỏ-tím hoặc vàng-cam của xương rông Nopal là do các betalain này. Rất nhiều tạp chí, công trình khoa học chứng minh những tác dụng dược lý rất tốt của xương rồng Nopal: (1) Các nghiên cứu của Viện Y học quốc gia, NIH, Hoa Kỳ, kết luận Nopal rất tốt cho người đái tháo đường, béo phì và rối loạn mỡ máu; (2) Các nghiên cứu tại Khoa dược, ĐH Sookmyung Women, Seoul, Hàn Quốc đăng trên tạp chí Fitoterapia (2001) cho thấy tác dụng kháng viêm rất mạnh của dịch chiết Nopal; (3) Các nghiên cứu đăng trên Journal of Agricultural Food Chemistry (2002), Hoa Kỳ, các betalains của xương rồng Nopal có tác dụng loại bỏ các gốc tự do thừa và chống oxy hoá mạnh; (4) Các nghiên cứu của ĐH Palermo (2004), đăng trên American Journal of Clinical Nutrition, Hoa Kỳ, khẳng định khả năng chống oxy hoá của xương rồng Nopal; (5) Tạp chí Prevention, USDA (2006), xương rồng Nopal là chất chống oxy hoá rất tốt, một “superfruit” không thua gì các loại trái dâu; (6) Nhiều công trình khoa học của nhiều hãng dược phẩm danh tiếng như Desert Bloom, Inc Sonoran Bloom (Mỹ), Nopalea Bloom (Mexico)… đã chứng minh rằng: chiết xuất từ xương rồng Nopal còn có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch, bổ trợ chức năng gan…
Ý nghĩa của xương rồng tai thỏ
Nhắc đến xương rồng là nhắc đến hình ảnh của sự gai góc và mạnh mẽ. Hình tượng loài cây này được nhân hóa lên, đại diện cho những người có khả năng chịu đựng đáng nể phục, đối mặt với khó khăn và không ngừng vươn lên trong điều kiện khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, cây xương rồng viết theo tiếng Tây Ban Nha còn có nghĩa là “Hãy đến và mang em đi”. Nó là hình ảnh tượng trưng cho những người giàu tình cảm, cứng rắn song không bao giờ thể hiện ra ngoài. Trong tình yêu, đó là một thứ tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung song lại thầm kín và lặng lẽ.
Cách trồng và chăm sóc cây xương rồng tai thỏ
Bạn có thể tham khảo video dưới đây nhà vườn Hula Trees chia sẻ cách trồng và chăm sóc cây xương rồng tai thỏ:
Với đặc tính sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoa mạc và bán hoang mạc, đất đai nghèo nàn cằn cỗi, ít được chăm sóc, tưới nước thường xuyên nên khi được thuần hóa, xương rồng hình tai thỏ dễ trồng và dễ chăm sóc, không yêu cầu quá cầu kỳ.
Chậu trồng: Đối với loại xương rồng này, nên chọn loại chậu có đường kính lớp hơn gấp 2 lần so với bề rộng của nhánh cây lớn nhất. Phần đáy chậu chắc chắn phải có lỗ thoát nước để đảm bảo độ thông thoáng.
Đất trồng: Cần trồng xương rồng tai thỏ trong đất có độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát khí; tránh những loại đất đặc quánh, ẩm ướt. Có thể trồng trong hỗn hợp của đất, đá, sỏi. Trước khi gieo hạt, đất cần được tiệt trùng để tránh mầm bệnh. Nếu cần, nên mua gói đất dinh dưỡng để sử dụng.
Hạt giống: Nên chọn những loại hạt giống tốt nhất để cây dễ dàng thích nghi trong điều kiện nhà hoặc ngoài vườn. Tốt nhất nên chọn mua ở các cửa hàng hạt giống uy tín.
Kỹ thuật trồng: Để trồng xương rồng hình tai thỏ, người trồng có thể dùng cây hoặc hạt giống để gieo. Nhưng thông thường sử dụng hạt giống là chủ yếu. Đổ loại đất đã được chuẩn bị vào chậu trồng, san bằng, sau đó rắc đều hạt giống lên trên mặt đất. Rải một lớp sỏi nhỏ thật mỏng trên bề mặt đất vừa gieo hạt để giúp cân bằng nhiệt độ cho hạt giống phía dưới. Sau đó, dùng bình xịt phun sương tưới đều một cách nhẹ nhàng trên bề mặt của chậu để tạo độ ẩm. Bọc kín miệng chậu bằng túi nilon, đều đặn tưới nước 2 - 3 ngày/ lần để duy trì độ ẩm. Khoảng 10 ngày, nếu được chăm sóc đúng cách thì hạt giống xương rồng tai thỏ sẽ bắt nảy mầm.
Cách nhân giống cây
Chuẩn bị đất: Có thể dùng cát sông, đất cát trắng, như vậy thì cây sẽ nhanh chóng phát triển hơn. Nhưng dù là trồng vào loại đất gì đều cần đảm bảo:
- Duy trì đất luôn ở trong thái tơi xốp, thoáng khí.
- Đất có chứa chất hữu cơ có mùn, không chứa muối
- Duy trì độ ẩm thích hợp: không được khô quá hay ướt quá.
- Lượng đất cát trong chậu cũng phải phù hợp, không nên quá dày.
Phương pháp nhân giống
Để nhân giống xương rồng tai thỏ, bạn có thể tiến hành vào mùa xuân, bằng hai phương pháp sau:
- Phương pháp giâm cành:
+ Chọn những nhánh cây khỏe mạnh, có sức sống tốt. Sau khi cắt nhánh đó ra, đợi cho vết cắt khô thì cắm vào chậu cát bằng gỗ, nhựa hoặc chậu xốp.
+ Sau khoảng 20 - 25 ngày thì cành sẽ bắt đầu mọc rễ. Khi cắm vào chậu, nên cắm sát vào cạnh chậu vì ở vị trí này thường thoáng khí, có lợi hơn cho quá trình mọc rễ.
+ Sau khi cắm, duy trì nhiệt độ 25 độ C, đặt nơi thoáng gió và trong bóng râm.
- Phương pháp gieo hạt:
+ Chọn những hạt giống tròn, đều đặn và tiến hành gieo trồng như thông thường.
+ Sau khoảng 10 ngày thì hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm. Giai đoạn này yêu cầu sự chăm sóc cẩn thận.
Các lưu ý khi chăm sóc cây xương rồng tai thỏ
Nước: Xương rồng là loại cây chịu hạn, không chịu được úng nước nên nhu cầu tưới nước cho nó cũng rất hạn chế. Mỗi tuần chỉ cần tưới một lần, mỗi lần tưới từ 30 - 40ml nước tùy vào kích thước chậu cây. Nếu trong điều kiện thời tiết mát mẻ, trời ẩm thì có thể không cần tưới cũng được.
Vào mùa mưa bạn không nên để cây xương rồng tai Thỏ ở ngoài trời, bởi nước mưa và điều kiện môi trường ẩm sẽ khiến cho cây dễ chết. Nếu có mưa thì hãy mang cây xương rồng vào nhà hoặc che bằng túi nilon hoặc kính trong suốt nhé.
Ánh sáng: Là loài cây ưa sáng nên đối với xương rồng tai thỏ, ánh sáng vô cùng cần thiết. Nếu được, nên để cây vào nơi có ánh sáng trực tiếp. Còn trường hợp trang trí ở văn phòng thì 2 - 3 ngày có thể cho cây ra ngoài tắm nắng một lần.
Nhiệt độ: Dù trong điều kiện khắc nghiệt nhất, nóng hoặc lạnh, xương rồng tai hình thỏ đều có thể chịu được và vẫn sinh trưởng. Khả năng chịu đựng của cây trong khoảng từ 10 - 50 độ C. Song, thích hợp cho cây phát triển tốt nhất là từ 15 - 28 độ C. Nếu nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng có thể làm cây yếu đi và có thể bị chết.
Phòng trừ sâu bệnh: Xương rồng tai thỏ có nguy cơ bị mắc một số loại bệnh như bệnh thối gốc (rất thường gặp và nguy hiểm), bệnh đốm than hay rệp sáp.
- Đối với trường hợp cây bị thối gốc, nguyên nhân có thể là do các vết thương gây ra trong quá trình giâm cành hoặc xuất hiện trên gốc. Ban đầu sẽ xuất hiện các đốm thối màu đen, xám, các chấm mốc màu đỏ tím hoặc trắng.
Trong quá trình giâm cành, công cụ cần được khử trùng và nên chọn loại đất và phân không nấm bệnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh của cây. Đồng thời nên loại bỏ những cành/cây bị bệnh để tránh lây lan.
- Đối với trường hợp bệnh thán thư, thường gặp nhiều vào mùa hạ và đầu mùa đông, khi cây bắt đầu xuất hiện những đốm nhiều nước màu nâu nhạt do nấm đĩa gai gây ra. Để phòng bệnh, nên hạn chế tưới nhiều nước, để cây ở nơi khô ráo và thoáng khí.
- Rệp sáp dùng miệng chích hút nhựa cây, dần dần sẽ làm cây bị suy yếu và chậm phát triển. Để loại bỏ nguy cơ này, có thể sử dụng phương pháp thủ công, bắt bỏ chúng đi hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật
Hi vọng, với những chia sẻ về cây xương rồng tai thỏ sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết bổ ích về loài cây này. Bạn có thể ĐĂNG KÝ KÊNH của nhà vườn Hula Trees để đón xem chia sẻ về cách trồng, cách chăm sóc từng loại cây loại hoa bạn nhé!
Tag: xương rồng, xương rồng tai thỏ, cách trồng chăm sóc xương rồng tai thỏ, nhân giống xương rồng tai thỏ, mua xương rồng tai thỏ ở đâu, bán xương rồng tai thỏ, giá xương rồng tai thỏ.